Một số kết quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Lào Cai

09:58 13-10-2017 | :801

Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn tỉnh đã thu được một số kết quả quan trọng.

Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề phát triển mạnh bảo đảm yêu cầu công tác đào tạo nghề. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 43 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 14 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 01 trung tâm giới thiệu việc làm có chức năng giáo dục nghề nghiệp và trên 24 cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cơ bản các trường dạy nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư nhà xưởng, thiết bị, máy móc đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học nghề của người dân trên địa bàn tỉnh.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên cơ bản bảo đảm về số lượng, chất lượng được nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 433 giảng viên, giáo viên dạy nghề, trong đó nhà giáo có trình độ sau đại học là 77 người (chiếm 17,8%); nhà giáo có trình độ đại học là 218 người (chiếm 50,3%); nhà giáo có trình độ cao đẳng, trung cấp là 28 người (chiếm 6,5%); nhà giáo có chứng chỉ nghề 110 người, chiếm 25,4%. Đội ngũ giảng viên, giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy nghề bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp được kiện toàn tổ chức, bộ máy, bổ sung giáo viên cơ hữu cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề của người dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhận được sự quan tâm, phối hợp của các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong giai đoạn 2012 - 2016, Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu triển khai thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt quan tâm đến các nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số, phụ nữ, người khuyết tật. Các Trung tâm dạy nghề - dịch vụ việc làm của các hội đoàn thể đã tổ chức đào tạo cho 4.277 lao động nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức trên 110 lớp với gần 4.600 học viên, tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm; nghiệp vụ thú y; kỹ thuật trồng rau, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, sản xuất phân bón vi sinh,...góp phần việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Lớp đào tạo nghề cho học viên tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện Bát Xát (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lào Cai)

Kết quả và hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2012 đến hết tháng 6/2017, có 11.142 lao động nông thôn đã hoàn thành chương trình học nghề, trong đó có 8.931 người vận dụng các kiến thức đã học vào lao động sản xuất và tạo việc làm, đạt 80,2% (tăng 9,3% so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW). Có thể khẳng định rằng, thông qua chương trình đào tạo nghề, người lao động tại các địa phương đã chủ động tạo thêm việc làm và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất; tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, góp phần ổn định đời sống nhân dân tại khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Lào Cai còn một số vấn đề cần quan tâm: Một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thiếu giải pháp phù hợp để triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW. Cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở dạy nghề còn thiếu, lạc hậu. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ hữu các trung tâm dạy nghề còn thiếu, một số yếu về chuyên môn và kỹ năng dạy nghề. Nguồn kinh phí thực hiện một số đề án còn khó khăn. Việc vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống của một số người lao động sau đào tạo nghề còn bất cập. Việc gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn hạn chế; các lĩnh vực đạo tạo chưa đa dạng, mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và phục vụ công việc lao động sản xuất tại chỗ. Sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ. Công tác định hướng, phân luồng học sinh phổ thông còn lúng túng, chưa thực sự gắn với dạy nghề và học nghề.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 tuyển mới và đào tạo nghề cho 45.000 lao động nông thôn; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt trên 55%; đội ngũ giáo viên dạy nghề cơ bản đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề, trong đó 30% giáo viên có trình độ sau đại học, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ và giải pháp sau: 

Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hai là, các cơ sở dạy nghề tiếp tục nghiên cứu để đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo nghề và tăng cường quản lý chất lượng đầu ra, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động. Trên cơ sở điều tra, xác định nhu cầu thị trường lao động để xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề hằng năm bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, tạo sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, giữa cơ sở đào tạo với người học nghề.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Có cơ chế thu hút các nghệ nhân, người có kinh nghiệm và tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở dạy nghề.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa dạy nghề, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển dạy nghề. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Năm là, có giải pháp thực hiện hiệu quả việc phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông theo Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ câp giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.

Đoàn Ngọc Tuyến

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết