Laocaitv.vn - Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời cũng như giúp quản lý, nâng cao hiệu quả đồng vốn vay.
Laocaitv.vn - Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời cũng như giúp quản lý, nâng cao hiệu quả đồng vốn vay.
Ông Ly Diu Sấn cùng với cán bộ ngân hàng chính sách hướng dẫn người dân thủ tục vay vốn.
Ông Ly Diu Sấn làm Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ đã nhiều năm nay, hiện đang quản lý 30 hộ vay với tổng dư nợ hơn 1 tỷ đồng. Ông luôn nhiệt tình hướng dẫn các hộ làm thủ tục vay vốn và cùng đảm bảo các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhờ đó, các thành viên trong tổ không có trường hợp nợ quá hạn. Ông Ly Diu Sấn chia sẻ: "Tôi luôn giám sát vốn vay sử dụng đúng mục đích, đảm bảo vấn đề sản xuất, nâng cao tinh thần, trách nhiệm kinh tế của gia đình".
Được Hội Nông dân xã và Tổ tiết kiệm vay vốn thôn giúp đỡ, anh Hảng Chá Pao, thôn Thàng Chư Pến, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương được vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn vay Giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư vào nuôi lợn. Thường xuyên nuôi 5 đến 7 con lợn nái, mỗi năm gia đình xuất chuồng hàng trăm con lợn thịt. Anh Hảng Chá Pao cho biết: "Làm ruộng thu nhập thấp, tôi đi tham khảo anh em về để chăn nuôi lợn nái đạt hiệu quả".
Thành viên các tổ tiết kiệm vay vốn thường xuyên giám sát các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích.
Tính đến hết tháng 3/2022, toàn huyện có 242 tổ tiết kiệm và vay vốn, đang quản lý 7.297 hộ vay với tổng dư nợ gần 400 tỉ đồng. Ngoài làm tốt các khâu bình xét cho vay, đôn đốc hộ vay trả lãi, trả gốc, các tổ đã huy động tiền gửi của tổ viên với tỷ lệ tổ viên tham gia đạt 98%, tổng số dư tiền gửi đạt hàng tỷ đồng.
Ông Nguyễn Lương Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương cho biết: "Tất cả 157 thôn bản đều có tổ tiết kiệm vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Giúp cho người dân thực hiện quy trình vay vốn, bình xét cho vay với phương thức giao dịch tại nhà, trả nợ, giải ngân tại xã. Chính vì vậy mà nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã kịp thời đến với người dân, người dân tiếp cận với nguồn vốn".
Như cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn ở huyện Mường Khương đã góp phần phát huy hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi của Nhà nước, giúp các hộ phát triển sản xuất, sớm thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển của huyện vùng cao này.
Kim Huệ - Văn Phà
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết