Nâng cao hiệu quả chương trình giáo dục địa phương

16:10 26-04-2024 | :148

Laocaitv.vn - Giáo dục địa phương có vai trò quan trọng, giúp các em học sinh hiểu về lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương mình; từ đó, làm giàu thêm vốn tri thức, hiểu biết và gắn kết tình yêu quê hương. Xác định rõ tầm quan trọng này, cùng với hệ thống kiến thức cơ bản từ sách giáo khoa, hầu hết các nhà trường của Lào Cai đều có giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

"Tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai thác ở Lào Cai" là một trong những chủ đề được thầy cô Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai định hướng giờ học giáo dục địa phương để các em học sinh khối lớp 10 tìm hiểu (ảnh trên). Các em được chủ động tìm kiếm thông tin cũng như chuẩn bị nội dung để thuyết trình. "Chúng em sẽ tập hợp thành một nhóm để có thể cùng nhau tìm hiểu các kiến thức, ví dụ các sách trong thư viện hoặc là những ban, ngành liên quan. Sau khi tìm hiểu và xây dựng dàn ý xong hết thì chúng em sẽ quay lại để các thầy, cô có thể phê duyệt, cũng như hướng dẫn cho chúng em", em Giàng Thanh Như, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai chia sẻ.

Với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai quan tâm khơi dậy tính tích cực của học sinh. Đặc biệt với môn giáo dục địa phương, nhà trường luôn khuyến khích các em chủ động nghiên cứu, tìm tòi, để tích lũy, tạo dựng được nền tảng kiến thức, phát triển năng lực của bản thân. "Đối với đội ngũ giáo viên chúng tôi thực hiện việc định hướng, dẫn dắt và kiểm soát về mặt nội dung trước khi giao cho các em những hoạt động như thế này được diễn ra. Từ đó, tạo môi trường cởi mở, linh hoạt, thoải mái, thân thiện", cô giáo Bùi Thu Trang, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai cho biết.

Sự chủ động từ phía nhà trường đã giúp các thế hệ học sinh Lào Cai hiểu rõ hơn về kinh tế, lịch sử, văn hóa...địa phương.

Còn tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, do học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số còn e dè, chưa tự tin trong giao tiếp nên việc giảng dạy chương trình giáo dục địa phương gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, các thầy, cô giáo đã có những giải pháp riêng, không chỉ nâng cao chất lượng, mà còn khơi dậy sự tự tin, giúp các em yêu hơn môn học này. "Học sinh ở đây 90% là học sinh dân tộc thiểu số, nên chúng tôi đưa kiến thức thực tế sát sao nhất, bằng cách tìm hiểu bản sắc dân tộc của các em, để có cách truyền đạt mềm mỏng phần kiến thức đến các em, giúp các em có thể lĩnh hội tốt nhất", cô giáo Tống Thị Tươi, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH &THCS Cốc Mỳ, huyện Bát Xát nói.

Hiện, từ lớp 1 đến lớp 4 bậc tiểu học; lớp 6 đến lớp 11 bậc THCS và THPT của Lào Cai đã có giáo trình giảng dạy chương trình giáo dục địa phương. Riêng khối lớp 5 và khối lớp 12 đang hoàn thiện, chậm nhất sẽ áp dụng khi bắt đầu năm học mới 2024 – 2025. Sự chủ động từ phía nhà trường đã và đang giúp các thế hệ học sinh Lào Cai hiểu rõ hơn về chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa...địa phương, để các em thêm trân quý, tự hào, có ý thức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết