Laocaitv.vn - Thời gian qua, các cơ sở cai nghiện ma túy tại Lào Cai đã được đầu tư về cơ sở vật chất và được sắp xếp lại. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, gắn với công tác đào tạo nghề, giúp người nghiện yên tâm điều trị để sớm hòa nhập với cộng đồng.
Tháng 5 năm 2024, Cơ sở cai nghiện tự nguyện tỉnh Lào Cai được thành lập trên cơ sở sáp nhập Cơ sở điều trị Methadone số 1 và số 2 (ảnh dưới). Mỗi ngày, có khoảng 400 người nghiện đến cơ sở để uống thuốc điều trị. Tại đây, người nghiện được tư vấn và hỗ trợ phác đồ điều trị phù hợp với sức khỏe và thể trạng từng người.
Bà Nguyễn Thị Thắng, Giám đốc Cơ sở cai nghiện tự nguyện tỉnh Lào Cai cho biết: “Sắp xếp, tổ chức lại công việc cho phù hợp, anh em thay ca nhau làm việc để điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Về phía bệnh nhân thì đây là địa điểm có vị trí đi lại thuận lợi”.
Còn tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Lào Cai - nơi đang điều trị cai nghiện bắt buộc cho 620 người; năm 2023, cơ sở được đầu tư 80 tỷ đồng để xây dựng khu điều trị phục hồi với quy mô 300 giường bệnh và khu nhà thăm thân, nhà điều hành. Khu nhà 5 tầng dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm nay, tạo điều kiện để tiếp nhận, điều trị thêm cho 700 học viên cai nghiện.
Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Lào Cai.
Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Lào Cai đang điều trị cai nghiện bắt buộc cho 620 người.
Ông Nguyễn Minh Thư, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Lào Cai nói: “Theo giai đoạn năm 2025 - 2030, chúng tôi sẽ được đầu tư hơn 200 tỷ nữa để hoàn thành tất cả các hạng mục khác như nhà bếp, nhà ăn, nhà đa năng, rồi các điều kiện khác như trồng cây xanh để đảm bảo cho môi trường cai nghiện thân thiện”.
Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chỉ đạo các cơ sở chú trọng công tác tư vấn, đào tạo nghề cho học viên, giúp người nghiện yên tâm điều trị để hòa nhập với cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Chúng tôi hướng vào các lớp cầm tay, chỉ việc ngắn hạn và ngành nghề liên quan chủ yếu đến nông thôn như: Cơ điện, cơ khí nông thôn, chăn nuôi thú y... Trong thời gian học nghề thì người ta cũng tự tạo kĩ năng cho mình”.
Các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ người nghiện sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Lào Cai hiện có 16 cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy đang hoạt động, trong đó có 2 cơ sở cai nghiện bắt buộc. Từ những nỗ lực đổi mới hoạt động của các đơn vị đã nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ người nghiện sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Việt Hùng – Thành Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết