Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai

19:17 27-06-2019 | :1904

Laocaitv.vn - Những năm qua công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thu được những kết quả nhất định, các cấp, các ngành và người dân đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và chuyển đổi hành vi về bạo lực gia đình, góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng bạo lực gia đình xảy ra. Việc giảm thiểu bạo lực gia đình không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn giúp người dân xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, rèn luyện sức khỏe, thể chất ở cộng đồng khu dân cư.

Thực tế cho thấy, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi nơi, mọi lúc và phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội với nhiều loại đối tượng khác nhau và thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, trong đó có: Bạo lực thể chất; bạo lực tinh thần; bạo lực kinh tế; bạo lực tình dục. BLGĐ đã và đang trở thành một vấn đề gây nhức nhối trong toàn xã hội, nó đã trực tiếp gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thể chất, tinh thần của con người mà đối tượng bị tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, BLGĐ đã và đang làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội...

Theo thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 313 vụ BLGĐ. Nguyên nhân chủ yếu là do: Một số địa phương thiếu quan tâm, coi BLGĐ là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhận thức về pháp luật, nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ của người dân còn hạn chế; tâm lý bao che, không khai báo, xấu hổ, không lên án, tố cáo nên BLGĐ có cơ hội tiếp diễn; do tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới; do tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút… mặt khác, còn do thiếu cán bộ chuyên trách, không có cộng tác viên cơ sở; cán bộ thiếu kỹ năng, ít kinh nghiệm tư vấn, hòa giải, truyền thông; chế tài chưa đủ mạnh, chưa xử lý nghiêm, thiên về hòa giải, phê bình, góp ý; kinh phí chi cho các hoạt động phòng, chống BLGĐ hầu như là không có…

(Ảnh minh họa)

Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, trong đó gần đây nhất là Kế hoạch số 91 ngày 26/2/2019 về triển khai Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 và các văn bản chỉ đạo về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống BLGĐ và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát trên 21.000 tờ rơi, tờ gấp về Luật Phòng, chống BLGĐ và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống BLGĐ; 10.000 tờ gấp về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; 2.500 cuốn “Sổ tay công tác văn hóa - gia đình”… cho các hộ gia đình, các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh làm tài liệu sinh hoạt, tuyên truyền. Triển khai nhân rộng được 57 mô hình CLB phòng, chống BLGĐ; xây dựng và nhân rộng 250 mô hình Ban quản lý Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam tại 25 xã. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức được 39 lớp tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ công tác bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ cho hơn 3.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các sở, ngành, huyện, thành phố, cán bộ làm công tác gia đình, bình đẳng giới cấp xã, phường, thị trấn, cộng tác viên và tình nguyện viên... Thông qua các hoạt động tuyên truyền, can thiệp, xử lý, tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh đã giảm dần qua các năm, trung bình mỗi năm các tổ hòa đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải 1.240 vụ việc, trong đó hòa giải thành công là khoảng 1.040 vụ việc, chiếm 83,6%; phần lớn các mâu thuẫn trong gia đình được giải quyết thông qua công tác hòa giải ở cơ sở...

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa về công tác phòng, chống BLGĐ trong thời gian tới, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, các đề án, chương trình, kế hoạch về phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần phòng ngừa các vụ BLGĐ; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác phòng, chống BLGĐ; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ ở cơ sở.

Hai là, hưởng ứng tổ chức, thực hiện các chiến dịch, sự kiện truyền thông, vận động tại gia đình, cộng đồng về phòng, chống BLGĐ. Xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tiểu phẩm, kịch bản sân khấu... về phòng, chống BLGĐ; chú trọng nội dung về đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ.

Ba là, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ BLGĐ; tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây BLGĐ; áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp với các đối tượng có hành vi BLGĐ; thực hiện thí điểm xét xử lưu động các vụ án hình sự có liên quan đến BLGĐ tại địa bàn xảy ra vụ án; biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống BLGĐ.

Bốn là, tiếp tục nâng cao sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống BLGĐ; thực hiện tốt công tác thu thập, thống kê, báo cáo thông tin về phòng, chống BLGĐ từ cơ sở; tiếp tục phát huy vai trò của tổ hoà giải, tổ tư vấn trong công tác phòng, chống BLGĐ tại địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa nhằm nâng tăng cường nguồn lực triển khai thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ.

Năm là, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống BLGĐ; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra theo chuyên đề về phòng, chống BLGĐ; đưa mục tiêu về phòng, chống BLGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

Ngô Hữu Tường


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết