Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

09:15 24-10-2019 | :644

Laocaitv.vn - Nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong toàn tỉnh.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

Cán bộ xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây ăn quả ôn đới.

Quy hoạch mở theo nguyên tắc việc chọn người

Chúng tôi về xã vùng sâu Xuân Thượng, huyện Bảo Yên vào những ngày giữa tháng 10. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng hồ hởi: "Xã Xuân Thượng đã xóa được tiếng là "ốc đảo" do bị nhiều con suối chia cắt. Ðồng bào người Tày, Mông, Dao, Giáy trong xã giờ đây có thể bon bon xe máy, ô-tô chở hàng hóa ra thị trấn Phố Ràng tiêu thụ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng khá hơn". Ðể có đường giao thông đi lại thuận tiện, xóa cách trở về giao thông, mấy năm qua, Ðảng bộ và người dân xã Xuân Thượng đã tự lực làm được hàng chục cây cầu kiên cố bằng sắt và bê-tông, nối liền 11 thôn, bản. Có được kết quả khả quan đó là nhờ sự tích cực, chủ động vào cuộc của đội ngũ lãnh đạo xã, nhất là người đứng đầu. Khi được luân chuyển công tác về làm Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng, anh Dũng đã khảo sát thực tế kỹ càng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, xác định khâu đột phá là làm đường giao thông, trước mắt bắc cầu qua các con suối để khắc phục việc chia cắt các thôn, bản, tránh kìm hãm phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở các thôn, bản vùng xa xôi, khó khăn về mọi mặt. Anh đề xuất với Sở Giao thông vận tải và lãnh đạo huyện Bảo Yên cho tận dụng bản thép mặt cầu Cốc Lếu cũ sau tháo dỡ để mang về địa phương để làm cầu qua suối; thuê kỹ sư thiết kế, vận động người dân các thôn đóng góp công sức, khai thác cát sỏi tại chỗ để làm 11 cây cầu kiên cố, nối liền trung tâm xã với các thôn, bản. Nhờ vậy, người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa ở địa phương.

Ở xã vùng cao biên giới Nấm Lư, huyện Mường Khương, chúng tôi gặp nữ Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Thị Huấn đang trực tiếp xuống thôn, bản kiểm tra việc trồng rừng vụ thu năm nay. Là người con dân tộc Mường của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, chị Huấn được kết nạp Ðảng khi còn là sinh viên Trường đại học Tây Bắc, sau khi tốt nghiệp đại học chị Bùi Thị Huấn đã thi đỗ và tham gia Dự án 600 trí thức trẻ, rồi được phân công công tác tại xã Nấm Lư từ tháng 10-2011. Quá trình công tác tại địa phương, chị được ghi nhận có những đóng góp về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương cho nên được đưa vào quy hoạch cán bộ chủ chốt của xã. Vừa qua, đồng chí Bùi Thị Huấn được bầu vào Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Mường Khương, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và trúng cử đại biểu HÐND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đồng chí Lê Văn Ðảm, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, nữ Chủ tịch xã Bùi Thị Huấn là cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thời gian qua, Tỉnh ủy Lào Cai tập trung quy hoạch cán bộ theo phương châm "vì việc chọn người, chứ không vì người chọn việc", gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch và tăng cường luân chuyển cán bộ, nhờ vậy đã nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành văn bản về công tác quy hoạch cán bộ theo nguyên tắc tương đương và vượt cấp, tạo điều kiện quy hoạch cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng trưởng thành trong thực tiễn hoạt động. Theo đó, đối với cán bộ trẻ, không cứng nhắc đưa vào chức danh cụ thể mà có thể đưa vào chức danh tương đương, tùy theo trình độ, năng lực và nhu cầu công việc để bố trí hợp lý. Bên cạnh đó, nếu cán bộ có năng lực tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thể hiện rõ phẩm chất lãnh đạo, quản lý, có trình độ chuyên môn đặc thù, là người dân tộc thiểu số, là cán bộ nữ, đủ tuổi công tác từ ba nhiệm kỳ trở lên có thể quy hoạch vượt cấp. Ðồng chí Ngô Hữu Quý, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy Lào Cai đã thực hiện quy hoạch 1.234 cán bộ, trong đó người dân tộc thiểu số là 128 cán bộ (chiếm 10,3%). Riêng quy hoạch các chức danh trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể; bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các huyện, thành phố là 798 người, trong đó dân tộc thiểu số là 188 người, chiếm 23,5%.

Xây dựng cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên"

Khảo sát về trình độ chuyên môn cho thấy, chuyên gia đầu ngành ở một số lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật của tỉnh còn thiếu, tỷ lệ chưa qua đào tạo về lý luận chính trị còn cao; một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực… Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Tỉnh ủy đã có Ðề án số 18, 19 về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo chức danh. Mới đây, tỉnh Lào Cai triển khai công tác quy hoạch và chương trình đào tạo bồi dưỡng bảo đảm đến năm 2020 có 32% số cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý (chủ yếu là cấp phòng thuộc sở và tương đương) được đào tạo trình độ chuyên môn sau đại học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn chặt với việc sử dụng cán bộ. Xã Na Hối, huyện Bắc Hà có địa bàn rừng núi rộng, hiểm trở, người dân sống phân tán, cho nên việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu hay làm các thủ tục pháp lý khác gặp nhiều khó khăn. Ðồng chí Vàng A Lềnh, cán bộ tư pháp xã cho biết, năm 2012, khi mới về công tác, qua nắm tình hình, phát hiện gia đình anh Giàng Seo Dư, thôn Li Chu Phìn sinh con gần một năm vẫn chưa làm giấy khai sinh, cán bộ xã đến vận động, gia đình mới đi đăng ký. Thực tế đó rút ra kinh nghiệm, nếu cứ làm việc theo kiểu hành chính, ngồi chờ dân đến thì không được, mà phải thường xuyên xuống thôn, bản kiểm tra và giúp người dân hoàn thành các thủ tục pháp lý. Qua nắm cơ sở, thấy còn nhiều hiện tượng tảo hôn, sinh con thứ ba, đồng chí đã tham mưu với Ðảng ủy, UBND xã có hình thức tuyên truyền, vận động khéo léo, phù hợp. Nhờ đó, nạn tảo hôn, sinh con thứ ba trên địa bàn xã giảm nhiều. Ðảng ủy xã Na Hối đánh giá, Vàng A Lềnh là cán bộ người Mông trẻ, có năng lực, trách nhiệm với người dân cho nên đưa vào quy hoạch cán bộ chủ chốt xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 và được cử đi học đại học Luật.

Ðồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Lào Cai cho biết: Giải pháp được tập trung ngay từ khâu "đầu vào". 5 năm qua, công tác tổ chức tuyển dụng cán bộ, công chức được thực hiện theo đúng quy định của trung ương, bảo đảm công chức được tuyển chọn đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của vị trí cần tuyển. Công tác luân chuyển, quy hoạch cán bộ luôn được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo. Các cấp ủy đảng đã xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu đội ngũ cán bộ trong quy hoạch (trình độ, ngành nghề, lĩnh vực công tác, độ tuổi, nam, nữ, dân tộc…). Quy hoạch cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công khai.

Ðến nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện của Lào Cai đã được đào tạo cơ bản đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước sắp xếp theo vị trí việc làm. Tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ, là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan từng bước được nâng lên; cấp tỉnh, cấp huyện có 16,2% số cán bộ là người dân tộc thiểu số; hơn 38% là nữ; hơn 93% có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên; gần 44% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Thực tế nêu trên tạo sự chuyển biến đồng bộ, tích cực cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức của đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh. Ðó là nhân tố quan trọng để vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của tỉnh Lào Cai được nâng lên; thể hiện thông qua kết quả phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị.

Theo Nhandan.com.vn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết