Nâng cao nhận thức về tảo hôn cho học sinh trong trường học ở Sa Pa

16:36 15-02-2022 | :314

Laocaitv.vn - Trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền các Clip "Kéo vợ", hành động này đã làm biến tướng phong tục "Kéo vợ" có từ xa xưa của đồng bào Mông và những cô gái này vẫn còn là học sinh. Chính vì vậy, việc tuyên truyền về những hệ luỵ từ sự biến tướng của tục "Kéo vợ", tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...cần được các nhà trường đặc biệt quan tâm.

Nhà trường tăng cường các buổi ngoại khoá tuyên truyền những quy định về Luật hôn nhân và gia đình, hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Nhìn hình ảnh Vàng Thị G vô tư vui chơi cùng các bạn tại trường trung học cơ sở Phan Si Păng, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa, không ai biết là em đã 2 lần bị chính em trai họ của mình "kéo" về làm vợ. Lúc bị kéo, G chỉ biết phản kháng do chưa muốn đi lấy chồng chứ chưa hề biết về những hệ luỵ của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Sau khi nhà trường tuyên truyền, vận động và được trở lại trường học, G mới rõ về những tác hại về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, về Luật hôn nhân và gia đình. Chính vì thế, khi tiếp tục bị kéo về làm vợ, Vàng Thị G đã mạnh dạn làm đơn báo cáo chính quyền để được bảo vệ. Em Vàng Thị G, Trường THCS Phan Si Păng, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa nói: "Từ bé em bị kéo về làm vợ 2 lần, 1 lần năm học lớp 7 và một lần là năm nay em đang học lớp 9. Người kéo em là con trai của cậu em, em không chịu lấy vì em được tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống".

 

Những hệ luỵ từ sự biến tướng của tục "Kéo vợ", tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cần được các nhà trường đặc biệt quan tâm.

Trường Trung học cơ sở Phan Si Păng có 450 học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc Mông. Theo thống kê của nhà trường, mỗi năm học có từ 3 đến 5 em phải nghỉ học vì tục "Kéo vợ". Chính vì vậy nhà trường đã tăng cường các buổi ngoại khoá tuyên truyền những quy định về Luật hôn nhân và gia đình, hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bởi vậy mà trong năm học 2021 - 2022 có 4 em học sinh bị kéo về làm vợ đều đã quay lại trường học. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thiện, Trường THCS Phan Si Păng, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa cho biết: "Mỗi giáo viên chủ nhiệm chúng tôi chủ động nắm bắt tâm lý các em học sinh để có thể có những chia sẻ giúp đỡ kịp thời những em học sinh bị kéo về làm vợ".

Thầy giáo Đỗ Đức Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Si Păng, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa cho biết thêm: "Nhà trường đã phối hợp với phòng ban, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về sâm hại trẻ vị thành niên từ đó nâng cao nhận thức cho chính các em học sinh".

Có thể thấy việc tăng cường tuyên truyền những hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các trường học có vai trò rất quan trọng, góp phần giảm thiểu những cặp vợ chồng trẻ thơ, đồng thời cũng giữ cho phong tục" Kéo vợ" của người Mông vẫn giữ được nét đẹp nhân văn.

 Đức Tính – Xuân Anh

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết