Laocaitv.vn - Có đến gần 33.000 ha lúa ở cả hai vụ, nông dân Lào Cai đang tạo ra nhiều giá trị từ việc canh tác các giống lúa đặc sản. Trong đó có giống lúa nếp. Gạo nếp có giá trị dinh dưỡng cao, thơm dẻo và đang được nhiều hợp tác xã, hộ gia đình tham gia chế biến để nâng tầm giá trị.
Từ hạt lúa nếp nương của Bắc Hà, tổ hợp tác thôn Na Lo, xã Tà Chải bảo vệ thành công sản phẩm đạt sao OCOP là khẩu rang và cốm. 35 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm từ hạt lúa nếp đang có thu nhập và việc làm ổn định, nhất là đối với phụ nữ người dân tộc thiểu số. Yếu tố để sản phẩm có chỗ đứng ổn định trên thị trường chính là việc chế biến, nâng cao giá trị hạt gạo nếp từ cách làm truyền thống của người dân bản địa.
Cũng từ hạt gạo nếp địa phương, hợp tác xã này đã kết hợp với lá chẩm và một số nguyên liệu bản địa để làm xôi với nhiều màu sắc. Xôi tài lộc được đóng gói, hút chân không nên có thể bảo quản trong điều kiện lạnh. Để sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng trong cả nước, hợp tác xã chủ động quảng bá, giới thiệu trên mạng xã hội.
Hợp tác xã chủ động quảng bá, giới thiệu trên mạng xã hội.
Chị Cao Thị Hòa, Giám đốc HTX Sơn Hòa, huyện Mường Khương chia sẻ: “Ngoài xôi ra thì sau này mình có thể chế biến ra nhiều món khác như bánh dày. Bánh dày của người dân tộc Nùng rất nổi tiếng. Bây giờ, tiêu thụ sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu địa phương nhiều hơn, khách hàng sử dụng sản phẩm an toàn thì mình phải có đầy đủ giấy tờ, sản phẩm chấm sao OCOP”.
Gạo nếp là một trong những đặc sản của Lào Cai. Tuy nhiên, diện tích còn ít và chưa có vùng trồng lớn. Vào mùa thu hoạch lúa, bà con sẽ làm cốm truyền thống. Khi hạt gạo nếp được chế biến, giá trị nâng lên từ 3 đến 4 lần.
Xôi tài lộc sản phẩm đạt sao OCOP của người dân.
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Gạo thơm ngon đã sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa như cốm. Khai thác tiềm năng lợi thế riêng của mình, gạo nếp không chỉ có năng suất mà còn khơi dậy bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền. Ngoài giá trị thu nhập từ năng suất sản lượng, giá trị tiêu thụ trên thị trường thì còn kéo theo đó là phát triển du lịch”.
Lúa nếp được nhiều hộ trồng, nhưng phần lớn chỉ để sử dụng trong gia đình. Muốn phát triển thành hàng hóa, ngoài việc phát triển trên quy mô lớn hơn thì rất cần xây dựng thương hiệu, bảo hộ cho sản phẩm đặc sản, để từ đây, gạo nếp Lào Cai mới có chỗ đứng ổn định trên thị trường cả nước.
Ngọc Hà – Nông Quý – Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết