Ngày làm việc thứ tư - Đại hội XIII tiếp tục thảo luận dự thảo các văn kiện

13:07 28-01-2021 | :351

Laocaitv.vn - Ngày 28/1, ngày làm việc chính thức thứ tư - Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Buổi sáng, dưới sự điều hành của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đại hội tiếp tục nghe các tham luận tại hội trường.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tham luận tại hội trường.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tham luận với chủ đề: "Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và phân phối chuỗi giá trị toàn cầu" đã đề cập các giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách của Đảng, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tham luận tại hội trường.

Tham luận của đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tập trung vào những nội dung chính như: Tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính Nhà nước góp phần đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn tới. Đề cập 6 giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: "Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành và là nhiệm vụ chính trị cần phải triển khai thực hiện tại các cấp, các ngành, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải đi tiên phong, nêu gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung”.

Đại biểu Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tham luận tại hội trường.

Với chủ đề: Phát huy lợi thế của vùng, xây dựng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đại biểu Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nêu rõ: Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Đây còn là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại nhiều “nút thắt” cản trở sự đi lên của vùng. Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, cần nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức, nhất là phân tích, nhận diện đầy đủ những thách thức do biến đổi khí hậu tác động đến quá trình phát triển của vùng, xây dựng các cơ chế chính sách, mô hình phát triển phù hợp.

Đại biểu Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tham luận tại hội trường.

Dẫn chứng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu cho giai đoạn tới là “Tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0% - 1,5% hằng năm; thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”. Tham luận của đại biểu Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi; trong đó, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng.

Đại hội cũng đã nghe tham luận về các giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia; về đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cùng một số tham luận khác. Lĩnh vực xây dựng Đảng, nổi bật là các tham luận về "Một số bài học từ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng”; về "Xây dựng Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước".

Chiều 28/1, Đại hội XIII của Đảng làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Các đại biểu sẽ thảo luận và biểu quyết về số lượng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Sau đó, các đại biểu làm việc tại đoàn, thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đại hội nghiên cứu danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và các tài liệu hồ sơ về nhân sự.

Như vậy, sau 1,5 ngày thảo luận tập trung tại hội trường, đã có 36 tham luận được trình bày tại Đại hội, các tham luận được đánh giá là có chất lượng cao, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội trên các lĩnh vực từ xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đảm bảo chiến lược xây dựng đi đôi với bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tin, ảnh: Lê Liên 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết