"Người mẹ" thứ 2 của trẻ tự kỷ

08:50 02-04-2024 | :190

Laocaitv.vn - Hơn 10 năm làm kỹ thuật viên can thiệp ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, với tình yêu thương, trách nhiệm, chị Tạ Phương Thảo, Khoa Nội Nhi, Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh đã hỗ trợ can thiệp, chữa khiếm khuyết cho hàng nghìn lượt trẻ tự kỷ. Nhân kỷ niệm 16 năm ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 02/4/2008 - 02/4/2024, mời quý vị và các bạn đến với những công việc hàng ngày của chị Thảo để cùng thấu hiểu sự yêu thương của “người mẹ” thứ 2 với những em bé không may mắc chứng tự kỷ.

 

Một năm sau thực hiện can thiệp, với sự hỗ trợ của kỹ thuật viên Tạ Phương Thảo, bé M.Q.K đã cơ bản khắc phục được những khiếm khuyết của trẻ mắc tự kỷ, nhất là về ngôn ngữ. Từ một em bé không biết nói, gọi, hỏi không phản ứng thì nay bé K đã có thể nói, nhận biết con số, chữ cái, đồ dùng, vật dụng qua tranh ảnh...

Bé M.Q.K đã có thể nói, nhận biết con số, chữ cái, đồ dùng, vật dụng qua tranh ảnh...

Chị H.T.V, mẹ bé M.Q.K, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Cô Thảo hằng ngày đã hướng dẫn, tập cho cháu giúp cháu đã tiến bộ hơn nhiều. Bây giờ cháu gọi bố, gọi mẹ, bài hát cô dạy ở lớp về nhà cháu cũng hát theo”.

14 năm can thiệp ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, thế nhưng mỗi giờ học của chị Tạ Phương Thảo luôn bắt đầu bằng những “giáo án” mới. Bởi với trẻ tự kỷ, mỗi em lại có một tính cách, khiếm khuyết khác nhau nên cũng cần có sự can thiệp, hỗ trợ riêng, phù hợp.

Kỹ thuật viên Tạ Phương Thảo, Khoa Nội Nhi, Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh nói: “Có trẻ không thích vận động, rất hay khóc, lại có trẻ hiếu động thích nhảy lên, đập đầu vào tường hoặc đánh bạn. Để điều trị thành công với trẻ tự kỷ thì mình phải xuất phát từ tình yêu thương trẻ, yêu nghề mới giúp các bạn chữa lành, hòa nhập với cộng đồng”.

Đưa âm nhạc và giác quan điều hòa cảm giác là giải pháp hiệu quả.

Ngoài can thiệp về ngôn ngữ, chị Tạ Phương Thảo tích cực học tập, cập nhật thêm kiến thức, phương pháp mới để hỗ trợ can thiệp cho trẻ tự kỷ. Trong đó, đưa âm nhạc và giác quan điều hòa cảm giác vào trị liệu cho trẻ khiếm khuyết về ngôn ngữ là giải pháp hiệu quả đã được chị Thảo và các đồng nghiệp triển khai thành công.

Kỹ thuật viên Tạ Phương Thảo, Khoa Nội Nhi, Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh cho biết: “Các bạn đến đây mà chưa nói được hoặc các bạn sợ cảm giác âm thanh thì mình có thể đưa âm nhạc dần dần tiếp xúc với các bạn; giúp các bạn hòa đồng hơn, cởi mở hơn và thân thiện hơn. Từ ngôn ngữ không lời sau đó sẽ đến ngôn ngữ có lời”.

Thầy thuốc Ưu tú Trần Văn Năm, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh cho biết thêm: “Qua những kỹ năng được học, các bạn đã tích cực áp dụng vào thực tiễn và dạy các con với tấm lòng nhiệt huyết cao. Từ đó, truyền tải những kiến thức, giúp kết quả điều trị tốt hơn”.

Thầy thuốc Ưu tú Trần Văn Năm, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh.

Hiện chưa có thuốc điều trị, cũng chưa có phương pháp nào được coi là toàn diện để giải quyết được tất cả vấn đề của trẻ tự kỷ. Bởi vậy, nhẫn nại, yêu thương… là yếu tố quan trọng luôn được chị Tạ Phương Thảo đề cao nhằm bù đắp khiếm khuyết cho trẻ tự kỷ với mong muốn các bé sớm hòa nhập cộng đồng, có một cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn.

Vân Anh – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết