Người thầy của những trẻ đặc biệt

09:08 25-03-2021 | :367

Laocaitv.vn - Nghề giáo viên dạy trẻ tự kỷ gần đây đã được xã hội biết đến nhiều hơn do số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng tăng qua từng năm. Họ không chỉ là người dạy dỗ, người bạn tâm giao, mà còn như những người cha, người mẹ dạy cho học trò của mình những kỹ năng sống đơn giản nhất mà đáng lẽ đứa trẻ bình thường nào cũng có.

Cô giáo Nguyễn Hương Giang kiên nhẫn dạy trẻ tự kỷ.

Nguyễn Hương Giang, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm chuyên ngành mầm non với tấm bằng loại giỏi, rất nhiều cơ hội rộng mở trước mắt, nhưng cô lại chọn trở thành giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Hơn 1 năm gắn bó với những em nhỏ đặc biệt tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Ban Mai, thấu hiểu nỗi vất vả khó khăn của nghề mang lại, nhưng Hương Giang vẫn tin vào sự lựa chọn của mình. "Trong quá trình đi thực tập thì tôi đã tìm hiểu và suy nghĩ là sau này mình sẽ làm ngành như thế nào để giúp các bạn bị tự kỷ để bớt gánh nặng cho gia đình, nhà trường và xã hội sau này. Nghề nào cũng có vinh, có tủi, dù rất vất vả nhưng tôi vẫn mong sẽ duy trì lâu dài với nghề này", chị Nguyễn Hương Giang, giáo viên Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Ban Mai chia sẻ.

Còn với Lâm Văn Đức, chàng trai sinh năm 1998, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm chuyên ngành mầm non năm 2019, Đức đã theo đuổi công việc này từ đó đến nay. Gạt sang một bên tất cả những khó khăn, vất vả, trong vai một người thầy, một người bạn đồng hành, Đức luôn khiến những học trò của mình yêu quý và tin tưởng. "Dạy trẻ đặc biệt khác hẳn với trẻ ở trường mầm non, vì vậy tôi luôn cố gắng làm bạn với trẻ để trẻ phóng khoáng và mở lòng hơn. Việc đầu tiên là phải luôn đem lại cảm giác an toàn thì trẻ mới hợp tác", anh Lâm Văn Đức, giáo viên Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Ban Mai trải lòng.

Chỉ có tình yêu thương mới giúp thầy cô vượt qua những khó khăn với kỳ vọng giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.

Công việc dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Có những bài học giáo viên sẽ phải hướng dẫn hàng trăm lần, thậm chí lặp đi lặp lại trong vài tháng các em mới có thể nhớ được cơ bản. "Tôi nghĩ là điều cần nhất của một giáo viên dạy trẻ đặc biệt thì xuất phát đầu tiên phải là người có tình yêu thương trẻ rồi còn cần đến sự kiên nhẫn, nhẫn nại với các con, và cuối cùng chắc chắn là cần đến kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Đó là những điều giáo viên cần phải làm để đáp ứng được chuyên môn để hỗ trợ cho các con", chị Hoàng Thị Thanh Hà, Quản lí Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Newlife cho biết.

Bên cạnh tình yêu thương, tâm huyết với nghề của các giáo viên thì việc điều trị cho trẻ rất cần sự phối hợp của phụ huynh, nhà trường và xã hội. Các bậc làm cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm con trẻ, nhận biết sớm các triệu chứng của trẻ tự kỷ để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Bài, ảnh: Thùy Linh – Thanh Tùng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết