Nhận diện khó khăn, linh hoạt tháo gỡ trong dạy học liên môn

16:48 26-10-2021 | :3947

Laocaitv.vn - Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2021 – 2022, lần đầu tiên triển khai môn học tích hợp với lớp 6 là môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên. Để tránh những vướng mắc trong thực tế giảng dạy, việc nhận diện khó khăn để linh hoạt tháo gỡ là rất quan trọng với mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo.

Tiết học môn Lịch sử và Địa lý của lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Yên Sơn.

Một cuốn sách, hai môn học, các tiết Lịch sử, Địa lý được sắp xếp xen kẽ, cùng với đó là những bài học tổng quan. Với các em học sinh chuyển từ cấp 1 sang cấp 2, việc tiếp cận môn học tích hợp ban đầu có phần bỡ ngỡ. "Mới đầu chúng em viết tất cả các môn vào 1 quyển, sau thì các cô hướng dẫn chúng em là tách vở riêng ra từng môn cho dễ. Đến giờ thì chúng em cũng quen hơn rồi", em Lý Hồng Uyên, học sinh lớp 6A, Trường Tiểu học và THCS Yên Sơn, huyện Bảo Yên chia sẻ.

Cô giáo Trần Thị Kim Liên được phân công giảng dạy phần Địa lý trong môn Lịch sử và Địa lý của lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Yên Sơn, huyện Bảo Yên. Xác định rõ ràng được những thay đổi của sách giáo khoa mới, cô giáo Liên cũng phải chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy của mình. Cô giáo Trần Thị Kim Liên chia sẻ: "Khó nhất là khi kiểm tra đánh giá. Ví dụ như kì 1 thì Lịch sử có 2 tiết/tuần, Địa lý chỉ có 1, tôi và thầy giáo phụ trách Lịch sử phải ngồi lại với nhau để bàn bạc về cấu trúc đề thi, tỷ lệ điểm, rồi căn sao cho kiểm tra đánh giá vào cùng 1 thời điểm mới được".

Giáo viên phụ trách thường xuyên trao đổi chuyên môn, phối hợp nhịp nhàng trong việc giảng dạy.

Nhiều giáo viên THCS được đào tạo đơn môn và tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường, các địa phương vẫn phổ biến. Đây được xác định là những khó khăn lớn nhất trong việc triển khai giảng dạy các môn học tích hợp lần đầu tiên thực hiện với lớp 6 trong năm học này. Chính vì vậy, các nhà trường phải rất chủ động trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên cũng như thời khóa biểu dạy học. Cô giáo Đỗ Ngọc Kim Khuyên, Trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên cho biết: "Các cô giáo phải trao đổi thường xuyên, chia sẻ về nội dung dạy học, nhất là trong phần mở đầu giới thiệu chung, nếu không rất khó để các em lĩnh hội hết được.

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên cho biết: "Đầu tiên cũng khó khăn một chút về việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, cũng như là đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên các môn sẽ bàn bạc thảo luận với nhau, tổ chức hội thảo chuyên đề để nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng kế hoạch cho hợp lý".

Để bắt nhịp với chương trình dạy học tích hợp, về lâu về dài, ngành Giáo dục cần xây dựng lộ trình đào tạo giáo viên một cách bài bản để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, quan tâm đầu tư trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Bài, ảnh: Thu Hường – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết