Nhiều thách thức trong thực hiện đề án xóa mù chữ

14:31 07-06-2019 | :2070

Laocaitv.vn - Thực hiện Đề án "Xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ" giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ người biết chữ trên địa bàn đạt 94%. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu này có khả năng hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều thách thức đặt ra từ chính nhận thức của người dân và chất lượng xóa mù cũng như giáo dục tiếp tục sau biết chữ chưa thực sự bền vững.

Là địa bàn biên giới với 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương có tỷ lệ người mù chữ ở độ tuổi từ 15 đến 60 khá cao. Triển khai Đề án "Xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ", cấp ủy, chính quyền đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động học viên tham gia các lớp xóa mù chữ. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa bàn vùng cao khác, điều kiện kinh tế, rồi nhận thức của bà con vẫn là rào cản trong thực hiện mục tiêu này. Trong 3 năm triển khai, Tung Chung Phố mới mở được 3 lớp (2 lớp xóa mù chữ và 1 lớp giáo dục sau biết chữ); hiện tại, chỉ có 10 học viên học lớp giáo dục sau biết chữ. Ông Sùng Sẩu, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: "Hằng ngày, bà con đi làm về khá muộn, một số người nhiệt tình muốn đi học để biết chữ, nhưng cũng có nhiều người mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả nên không đến lớp, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ chuyên cần".

Tại Sa Pa, theo đề án, giai đoạn 2015 - 2020 huyện đặt mục tiêu xóa mù chữ cho 1.650 học viên; dự kiến hết năm 2019, Sa Pa sẽ xóa mù chữ cho 1.730 học viên. Mặc dù con số vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, theo đánh giá của huyện, việc xóa mù chữ chưa được người dân quan tâm; học viên chủ yếu ở độ tuổi cao, tâm lý tự ti. Đặc biệt, số học viên tham gia học các lớp giáo dục tiếp tục sau biết chữ ít.

Các lớp xóa mù chữ chủ yếu được mở vào buổi tối, nên rất khó huy động người học ra lớp. (Ảnh: Phương Liên)

Trên địa bàn toàn tỉnh, Đề án "Xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ" giai đoạn 2015 - 2020 chính thức triển khai từ năm 2016. Sau 3 năm thực hiện, đến nay, tất cả các chỉ tiêu đều đạt so với kế hoạch. Cụ thể, toàn tỉnh đã mở được 154 lớp xóa mù chữ, thu hút gần 2.800 học viên tham gia, đạt trên 132% kế hoạch; nâng tỷ lệ người biết chữ trên địa bàn tỉnh hiện đạt 93,8%. Hiệu quả của đề án này góp phần thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao, đáp ứng nhu cầu được biết chữ, tiếp nhận văn hóa của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, còn nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu đề án. Trở ngại đầu tiên chính là dân cư sống phân tán, xa trường học, giao thông không thuận lợi, các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ chủ yếu vào buổi tối, nên rất khó khăn trong huy động người học ra lớp. Người mù chữ phần lớn là người dân tộc thiểu số, ở độ tuổi từ 36 - 60; chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, là lao động chính và thường xuyên đi làm xa nhà, nên không có nhiều thời gian dành cho học tập. Bà Dương Bích Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phân tích: "Số người mù chữ tập trung vào các thôn bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, cho nên dù bản thân muốn đi học nhưng họ cũng phải ưu tiên cuộc sống mưu sinh trước".

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc biết chữ, nên không có nhu cầu đi học. Tại một số huyện như Bắc Hà, Văn Bàn...  tỷ lệ học viên bỏ học, không huy động được ra lớp còn cao. Đội ngũ dạy xóa mù chữ là giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở, không phải giáo viên chuyên trách nên còn lúng túng, hạn chế về phương pháp dạy cho đối tượng người lớn; tỷ lệ người dân tộc tái mù chữ cao. Bà Dương Bích Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: "Đồng bào các thôn khó khăn như dân tộc Hmông và một số dân tộc ít người khác họ sống quần cư, khi học xong lại không sử dụng tiếng Việt, hàng ngày sử dụng tiếng địa phương nên có biểu hiện tái mù; học lớp 3, không học lớp 4, 5 là không bền vững".

Để khắc phục những bất cập trên, theo lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác xóa mù chữ. Trong xóa mù chữ, phải lấy thôn, bản làm trọng tâm để chỉ đạo mở lớp; nêu cao vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc của Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Thực hiện giảng dạy sát thực tế, phù hợp với công việc, tập quán, đặc trưng của đồng bào vùng cao, dân tộc thiểu số. Tiếp tục nhân rộng mô hình lựa chọn học sinh tình nguyện vận động, giúp đỡ bố mẹ, anh chị, hàng xóm học tại nhà theo mô hình con cháu dạy cho bố mẹ, ông bà. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các lực lượng như: Bộ đội Biên phòng; Hội Phụ nữ; Hội Khuyến học; Đoàn thanh niên trong tổ chức thực hiện. Có như vậy, chủ trương xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ mới đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào vùng khó khăn của tỉnh.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết