Laocaitv.vn - Sau gần 2 năm thi công, con đường bê tông có chiều dài 4,8km là niềm mong mỏi của người dân 2 thôn Nậm Ké và Cốc Sâm, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà cũng đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Thế nhưng, thay vì niềm vui có được con đường mới để giúp cái đói, cái nghèo tìm được lối thoát, người dân nơi đây lại tỏ ra khá bức xúc bởi chỉ một thời gian ngắn đi vào sử dụng, con đường đã nhanh chóng hư hỏng.
Cách đổ bê tông lạ lùng!
Thôn Cốc Sâm có 72 hộ dân, thì gần 80% trong đó nằm trong diện hộ nghèo. Một trong những rào cản trong phát triển kinh tế của người dân là đường giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, mặc dù điều kiện kinh tế vô vàn khó khăn, người dân thôn nghèo này tự nguyện hiến đất và đóng góp 2 triệu đồng/hộ khi xã có chủ trương đổ bê tông con đường. Sau 2 năm thi công, đầu năm 2016 con đường Nậm Ké - Cốc Sâm được đưa vào sử dụng với tổng chiều dài 4,8km. Chỉ vài tháng sau khi đi vào sử dụng, con đường này đã hư hỏng khá nhiều khiến người dân vô cùng bức xúc. Ông Bàn Văn Quyết - một người dân thôn Cốc Sâm than thở “Nhiều hộ thuộc diện nghèo, phải đi vay tiền để đóng cho xã làm đường. Nhưng đường chưa đi được bao lâu thì đã hỏng, không biết có tồn tại được lâu không!”
Công trình đường giao thông vào thôn Nậm Ké - Cốc Sâm, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà mới đi vào sử dụng. (Ảnh: Trung Kiên)
Để minh chứng cho những điều vừa nói, người dân dẫn chúng tôi đến một số đoạn đường mà họ cho rằng đã hỏng ngay vừa mới hoàn thành. Tại đây, dễ dàng quan sát thấy nhiều đoạn, bề mặt đường bị bong tróc, nằm trơ ra lớp đá sỏi gồ ghề. Một số đoạn sụt lún nghiêm trọng, tạo ra những ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Những lớp bê tông này được người dân dùng que dễ dàng cậy lên và bửa ra tơi xốp trong tay. Ông Quyết khẳng định rằng: “Nhiều đoạn độ dầy bê tông chỉ chưa đến 10cm, không đảm bảo 16cm theo quy chuẩn đường giao thông nông thôn”.
Trưởng thôn Cốc Sâm - ông Bàn Văn Bình thì khẳng định: không ít những vẫn đề mập mờ, khó hiểu trong quá trình thi công tuyến đường. Ví dụ, theo quy trình làm đường giao thông nông thôn, trước khi tiến hành đổ bê tông, nền đường phải được rải một lớp đá cấp phối, tiến hành lu nén tạo mặt bằng, sau đó mới tiến hành đổ bê tông. “Nền đường cũ trước đây là làm bằng đất, tuy nhiên nhà thầu không rải đá cấp phối mà tiến hành đổ trực tiếp bê tông khiến con đường này khó đảm bảo chất lượng”- Ông Bình nói.
Nhiều đoạn sụt nún tạo thành "ổ gà" mặc dù con đường đưa vào sử dụng chưa lâu. (Ảnh: Trung Kiên)
Không đồng tình với cách làm này, người dân đã nhiều lần phản ánh với UBND xã Cốc Ly, tuy nhiên phớt lờ điều đó, việc thi công vẫn được nhà thầu tiến hành. Và phải đến khi con đường này đổ gần xong, trước phản ứng gay gắt của người dân thì xã mới cho dừng thi công và thay vào đó, người dân trực tiếp đứng ra đổ nốt đoạn đường còn lại. Điều đáng nói, đoạn đường người dân tự bỏ công làm thì chất lượng lại rất đảm bảo chưa hề có dấu hiệu hư hỏng trái ngược hoàn toàn với đoạn đường trước đó được UBND xã đứng ra thuê 1 đơn vị thi công.
Đường hỏng là do…mưa nhiều!
Trao đổi với phóng viên đài PT-TH Lào Cai, ông Nguyễn Xuân Tuấn - Chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết: Đường bê tông Nậm Ké - Cốc Sâm có chiều dài 4,8km với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ đổng gồm nguồn ngân sách của tỉnh Lào Cai gần 3,5 tỷ đồng, còn lại là nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo chương trình nông thôn mới và người dân đóng góp, do UBND xã Cốc Ly làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công từ tháng 10/2014 và kế hoạch là hoàn thành vào tháng 4/2015. Ông Tuấn cho biết: Để đổ bê tông tuyến đường này, xã đã thuê một đơn vị thi công ở Bắc Hà theo hình thức khoán trọn gói” Trong quá trình làm, đều được giám sát chặt chẽ với sự tham gia của chính quyền, người dân trong thôn và đảm bảo đúng quy trình. Giải thích lý do con đường xuống cấp chỉ sau vài tháng đi vào sử dụng, ông Tuấn cho rằng: “Ban đầu thì con đường chất lượng đảm bảo, nhưng sau đó do thời tiết mưa nhiều nên một vài đoạn cũng xuống cấp!”. Cũng theo ông Tuấn, công trình này chậm tiến độ gần 1 năm và đã được bàn giao cho thôn Cốc Sâm từ đầu năm 2016, tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp biên bản bàn giao và hồ sơ liên quan thì vị Chủ tịch UBND xã này ấp úng cho rằng: “Do thời gian thi công quá lâu, kế toán điều chuyển công tác nên không dễ dàng để tìm được những hồ sơ này!”.
Nhiều đoạn đường không đảm bảo độ dày là 16cm theo quy chuẩn. (Ảnh: Trung Kiên)
Ông Lê Doãn Hạnh - Phó Chánh thanh tra huyện Bắc Hà cho biết: Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, tháng 11/2015, huyện Bắc Hà cũng đã lập đoàn xuống kiểm tra tuyến đường Nậm Ké - Cốc Sâm trên chiều dài 4,1km. Qua đó phát hiện ra, đá được sử dụng để thi công phần móng đoạn đường này là loại đá non không đảm bảo chất lượng, không đúng với hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự toán được phê duyệt. Ngoài ra, hồ sơ nghiệm thu các giai đoạn không hề có sự tham gia của đơn vị thi công, giám sát xã, giám sát cộng đồng. Huyện Bắc Hà yêu cầu UBND xã phải giảm trừ 170 triệu khi tiến hành quyết toán do khối lượng đá để thi công chênh lệch khá nhiều so với thiết kế ban đầu. Ông Hạnh cho biết: “thực tế kiểm tra, nhiều đoạn đường cũng không đảm bảo độ dày là 16cm theo quy chuẩn. Nhưng vì điều kiện là xã vùng khó khăn, đã làm rồi nên khó xử lý. Nếu áp theo đúng thiết kế được phê duyệt thì công trình không thể quyết toán”.
Trở lại với thôn nghèo Cốc Sâm, mặc dù từ ngày có đường bê tông, việc đi lại giao thương của người dân thuận tiện hơn trước. Tuy nhiên, chứng kiến con đường đang xuống cấp từng ngày, người dân nơi đây không khỏi cảm thấy thất vọng, xót xa.
Trung Kiên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết