Laocaitv.vn - Với lợi thế tự nhiên, nuôi cá nước lạnh đã giúp không ít hộ dân ở thị xã Sa Pa vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ loài thủy sản đặc hữu. Tuy nhiên, do thiên tai, dịch bệnh, không ít hộ cũng rơi vào cảnh trắng tay, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng, thậm chí là cả tính mạng. Tại xã Liên Minh - một trong những vùng nuôi cá lớn của thị xã Sa Pa, nơi từng chịu ảnh hưởng lớn từ trận mưa lũ cách đây gần một năm, nhiều hộ dân vẫn "đánh bạc" với trời khi tiếp tục xây dựng những bể nuôi cá ngay cạnh suối.
Sau trận lũ dữ hồi tháng 9 năm ngoái, toàn bộ nhà cửa, tài sản và 20 tấn cá, trị giá 2,5 tỷ đồng của gia đình ông Phàn Dào Quẩy bị cuốn trôi. Thế nhưng, trại nuôi với 12 bể lại vừa được gia đình khôi phục. Ròng rã gần 1 năm trời, bỏ ra gần 1 tỷ đồng cùng bao nhiêu công sức, nhưng con giống vừa thiếu, vừa bị nhiễm bệnh, nên việc khôi phục vẫn rất khó khăn.
Trại nuôi cá của gia đình ông Phàn Dào Quẩy.
Ông Phàn Dào Quẩy, thôn Nậm Cang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Sơ ý là mất nước, có lúc là dịch bệnh, chủ yếu là dịch bệnh quá nhiều, nuôi không dám cho ăn, cho ăn nhiều càng chết. Cứ như thế này thì không biết đến bao giờ mới lấy được vốn về”.
May mắn thoát nạn khi lũ dữ cuốn bay chòi trông cá nhưng toàn bộ 6 bể cá của anh Tẩn Vần Nhàn cũng bị trôi, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Với quyết tâm làm lại từ đầu, bằng nguồn vay ngân hàng, anh Nhàn đã khôi phục lại số ao cá ngay trên chính hành lang suối Nậm Cang, nơi đã từng bị lũ cuốn trôi.
Anh Tẩn Vần Nhàn, thôn Nậm Cang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Nuôi cá rủi ro rất cao, cứ như đánh bạc thôi, nhưng vẫn phải cố để nuôi, bây giờ mặc dù không có tiền vẫn vay vốn ngân hàng, để đầu tư, tái đầu tư lại, hiện tại tái đầu tư lại cũng gặp rất nhiều khó khăn”.
Cá chết do dịch bệnh, do thiếu nước hoặc nguồn nước không đảm bảo, đặc biệt là rủi ro khi mùa mưa lũ đến. Nuôi cá nước lạnh trên hành lang suối chẳng khác gì "đánh bạc" với trời như lời anh Nhàn chia sẻ, vậy nhưng, riêng xã Liên Minh có tới 56 hộ nuôi trên hành lang suối, diện tích vi phạm hơn 17.000 mét vuông.
Nuôi cá nước lạnh trên hành lang suối chẳng khác gì "đánh bạc" với trời.
Ông Lù Văn Suy, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh, thị xã Sa Pa cho biết: “Mặc dù đã tuyên truyền cho người dân để tránh xa, theo cái Luật Chăn nuôi thủy sản phải cách xa dòng chảy bao nhiêu mét thì mới được xây dựng, khôi phục lại trang trại cá. Người dân vẫn tiếp tục duy trì những công trình sẵn có, vì họ đã đầu tư rồi, họ không muốn bỏ nó đi”.
Trên thực tế, nguồn lợi thu về từ nghề nuôi cá nước lạnh khá cao, vậy nên nhiều hộ dân vẫn cố nuôi, bất chấp cảnh báo của ngành chức năng. Thống kê sơ bộ, thị xã Sa Pa có 150 hộ nuôi cá nước lạnh vi phạm hành lang sông suối; tổng diện tích vi phạm trên 40.000 mét vuông. Luật Tài nguyên nước có hiệu lực kể từ 01/7/2024, sẽ là khung pháp lý để xử lý vi phạm hành lang sông suối, đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nhất là sự an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Thế Văn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết