Laocaitv.vn - Thi đua là yêu nước, các phong trào thi đua là động lực của tiến trình phát triển. Vậy nhưng làm thế nào để nâng cao hiệu quả của các phong trào thi đua, động lực để thúc đẩy thi đua bắt nguồn từ đâu, và những nhân tố nào quyết định thành công của công tác đặc biệt này? Thực tiễn tại các địa phương trong cụm thi đua các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc cho thấy rằng, chính sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, phát huy nội lực, sự chủ động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp đã mang tới thành công cho các phong trào thi đua, đặc biệt là trên trận tuyến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Giảm nghèo là mục tiêu đặc biệt quan trọng đối với tất cả các địa phương ở khu vực miền núi, biên giới. Từ nhiều năm trước, Đảng và nhà nước ta đã luôn dành sự quan tâm chăm lo đặc biệt, dồn sức đầu tư cho vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hàng loạt các chương trình mục tiêu quốc gia. Hiệu quả mang lại rất nhiều, nhưng đồng thời cũng để lại những tác động không mong muốn, đặc biệt là hình thành tâm lý thụ động, trông chờ, ỷ lại vào nhà nước của một bộ phận nhân dân.
Chính vì vậy, để mục tiêu giảm nghèo đạt được một cách bền vững, các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc đã tổ chức tuyên truyền, vận động một cách có hệ thống nhằm phá bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, phát huy ý thức tự chủ, sự năng động, sáng tạo của mỗi người dân trong phát triển kinh tế. Kết quả là nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm đang xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các địa phương trong khu vực. Những cái tên sẽ được nêu gương tại hội nghị Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng cụm thi đua 7 tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc sẽ được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 tới đây tại tỉnh Lào Cai như ông Lý A Lệnh ở xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, ông Giàng Khua Già - xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, bà Tô Thị Bắc, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, ông Vũ Văn Thính - Xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Anh Vũ Viết Sơn - xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, Anh Vì Văn Bình, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La... chỉ là con số rất nhỏ trong số hàng trăm nghìn hộ sản xuất kinh doanh giỏi, năng động, sáng tạo trong làm ăn, không chỉ mang tới cuộc sống ấm no cho bản thân mình, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và góp phần tích cực làm giàu đẹp thêm cho bức tranh kinh tế xã hội của địa phương mình.
Nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo nhờ nghị lực vươn lên và sự hỗ trợ của nhà nước. (Ảnh minh họa)
Chính quyền năng động, doanh nghiệp năng động, người dân năng động. Sự năng động là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Không ít những ông chủ, bà chủ, những doanh nghiệp lớn ở các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc hiện nay đã đi lên từ hai bàn tay trắng, từ xuất phát điểm là những người nông dân chân lấm tay bùn. Trong thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong khối thi đua các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Bản thân các doanh nghiệp cũng không ngừng nỗ lực tự trau dồi kiến thức kinh doanh, đổi mới công nghệ, tích cực tìm kiếm thị trường để thích ứng với những biến động và cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Bước sang năm 2018 - Năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm vụ đối với mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị sẽ càng nặng nề hơn. Nhưng với thế và lực mới, với sự đoàn kết và đồng thuận, sự năng động sáng tạo, tinh thần vượt khó vươn lên của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân và cộng đồng doanh nghiệp, các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc đang tự tin hướng đến những thành tựu mới trong thực hiện các phong trào thi đua ái quốc, đóng góp vào sự phát triển đi lên của mỗi địa phương và cả nước.
Hùng Cường - Thu Hường - Thanh Sơn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết