Phát triển văn hóa đọc trên nền tảng số

22:29 27-10-2024 | :627

Laocaitv.vn - Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số vừa là thách thức cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc, giúp người đọc có thể dễ dàng tiếp cận với những cuốn sách giá trị ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời chia sẻ, lan tỏa những cuốn sách hay đến với mọi người thông qua các thiết bị thông minh một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Từ khi Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng triển khai sử dụng thư viện số VietBiblio, các em học sinh nhà trường vô cùng hào hứng và phấn khởi. Đặc biệt, thư viện số của trường còn liên kết với các thư viện khác, nên học sinh có thể tìm được nhiều đầu sách không có trong thư viện trường một cách nhanh chóng, giúp các em thỏa niềm đam mê đọc sách.

Học sinh quét mã QR để vào thư viện số.

Em Trần Thị Thanh Tuyền, lớp 12A5, Trường THPS số 2 huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Bây giờ là thời đại 4.0 nên đọc sách trên Internet rất thuận lợi. Thư viện số nhà trường rất đa năng, chúng em ở lớp, ở bất kỳ nơi đâu đều có thể truy cập được thư viện, đọc sách trên thư viện giúp chúng em mở mang nhiều kiến thức”.

Chị Hà Thị Hòe, nhân viên thư viện Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng cho biết: “Nhà trường cũng trang bị phần mềm để các em tra cứu mọi lúc, mọi nơi, trong đó có hàng nghìn cuốn sách để các em tra cứu theo nhu cầu, lứa tuổi, sở thích; thường xuyên giới thiệu sách mới trên trang web của nhà trường, trên facebook”.

Thực hiện số hóa tài liệu tại thư viện.

Để phát triển văn hóa đọc trên nền tảng số, Thư viện tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh thực hiện số hóa tài liệu tại thư viện; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% thư viện công cộng cấp huyện và 60% thư viện tại các cơ sở giáo dục được trang bị hệ thống quản trị thư viện dùng chung VietBiblio; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, phục vụ nhu cầu thông tin, học tập, giải trí của học sinh và người dân.

Bà Phạm Thị Bích Dung, Giám đốc Thư viện tỉnh Lào Cai cho biết: “Chúng tôi đang tham mưu để thuê dịch vụ công nghệ thông tin đáp ứng lưu trữ, quản lý, khai thác tài liệu số ở thư viện. Trên trang thông tin điện tử của thư viện có liên kết với các thư viện khác để khai thác các tài liệu số của các tỉnh, thành trong cả nước trên tinh thần kết nối và chia sẻ. Đối với cơ sở, bên cạnh hỗ trợ tủ sách cộng đồng tích hợp thư viện điện tử vừa đảm bảo cho việc tra cứu thông tin cho người dân ở cơ sở”.

Đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường.

Xây dựng và nhân rộng mô hình thư viện số, ứng dụng công nghệ số sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đẩy mạnh văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu của độc giả trong thời đại 4.0. Qua đó nuôi dưỡng và hình thành thói quen đọc sách trong mỗi cá nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Thùy Anh – Đình Hiếu


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết