Phiên họp thứ nhất - Ủy ban Bầu cử tỉnh Lào Cai

17:31 20-01-2021 | :635

Laocaitv.vn - Chiều ngày 20/1, Ủy ban Bầu cử tỉnh Lào Cai tiến hành phiên họp lần thứ nhất. Phiên họp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm đối với các ngành thành viên nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh chủ trì phiên họp.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Lê Liên)

Phiên họp đã triển khai một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thảo luận và thông qua việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ủy ban Bầu cử tỉnh; thảo luận kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; hướng dẫn cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND huyện, thị xã, thành phố và các xã, thị trấn thuộc tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2021 - 2026; cho ý kiến vào việc thành lập các Tiểu ban giúp việc Ủy ban Bầu cử tỉnh, gồm: Đảm bảo an ninh, trật tự - an toàn xã hội, thông tin tuyên truyền, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử.

Đồng chí Giàng Seo Vần, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nêu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Lê Liên)

Cuộc họp cũng cho ý kiến vào một số nội dung khác liên quan đến công tác chỉ đạo chuẩn bị bầu cử. Thảo luận sâu hơn các nội dung trong dự thảo kế hoạch bầu cử của Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Lào Cai, đặc biệt là làm rõ hướng dẫn về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu đảm bảo theo đúng quy định của Luật bầu cử. Bổ sung thêm thành viên Tiểu ban Thông tin tuyên truyền nhằm đảm bảo công tác tuyên truyền sâu rộng đến với các tầng lớp Nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Lê Liên)

Phát biểu kết luận, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh nhấn mạnh: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, Sở Nội vụ - cơ quan thường trực và các ngành thành viên cần chủ động ở mức cao nhất. Cơ quan thường trực tiếp thu ý kiến đóng góp của các ngành thành viên để có sự chỉ đạo, chuẩn bị tốt nhất. Việc xây dựng kế hoạch bầu cử phải đi kèm với hướng dẫn thực hiện, cơ quan thường trực sớm xây dựng kế hoạch, tiến hành tập huấn cho các thành viên; giải đáp những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai; đồng thời, triển khai tốt các giải pháp liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự, thông tin tuyên truyền, đặc biệt là chủ động xây dựng kế hoạch phòng dịch Covid-19. Các ngành thành viên Ủy ban bầu cử phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong chỉ đạo và thực hiện, đảm bảo thống nhất, đây là yếu tố quyết định đến sự thành công của bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên địa bàn.

Lê Liên – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết