Phòng ngừa trẻ em lao động sớm ở vùng biên

21:58 01-10-2019 | :564

Laocaitv.vn - Do đặc thù địa lý và phong tục tập quán của đa dân tộc thiểu số, trẻ em ở tỉnh miền núi, biên giới Lào Cai có xu hướng bỏ học giữa chừng để lao động, mưu sinh cùng gia đình. Những năm gần đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động sớm ở địa phương.

Phòng ngừa trẻ em lao động sớm ở vùng biên

Bộ đội Biên phòng Lào Cai đỡ đầu, trợ giúp các em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao huyện Mường Khương (Lào Cai).

Phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động sớm

Chúng tôi đến xã biên giới Bản Vược, huyện Bát Xát (Lào Cai) tìm hiểu về lao động trẻ em tại đây. Phó Chủ tịch UBND xã Bản Vược Ngô Hoàng Sơn, khẳng định, tuy trên địa bàn xã có cửa khẩu phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa và hàng trăm lao động bốc vác hàng hóa “lên xe xuống thuyền”, nhưng hoàn toàn không có trẻ em địa phương lao động sớm hoặc làm việc nặng nhọc, môi trường độc hại. Để đạt được kết quả đó, chính quyền xã đã phối hợp Phòng LĐTBXH huyện tích cực triển khai thực hiện mô hình “Phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động sớm” theo Kế hoạch số 286 của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, xã tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh và trẻ em; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả việc trợ giúp xã hội, cải thiện môi trường làm việc tại các làng nghề truyền thống để xóa nghèo; hỗ trợ trẻ em đến trường học tập, học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp, đúng độ tuổi.

Tại Trường Tiểu học Bản Vược, chúng tôi đã gặp hai chị em ruột là Vương Thị Thu và Vương Văn Thân, dân tộc Giáy, trú tại thôn 2, xã Bản Vược. Do hoàn cảnh gia đình éo le, gặp nhiều khó khăn, hai chị em đến lớp “bữa đực, bữa cái” đứt quãng để làm thuê và lên rừng lấy củi bán kiếm sống. Cô giáo chủ nhiệm của các em đã tìm hiểu và đề xuất với nhà trường, phối hợp UBND xã trợ cấp sách vở và tiền ăn hằng tháng để hai chị em tiếp tục đến lớp học tập đầy đủ. Để tiện lợi cho các em, cô giáo chủ nhiệm đã ký kết với chủ quán cơm ở gần trường nấu ăn theo định xuất để buổi trưa hai em có thể ăn và nghỉ tại trường tiếp tục học chiều, giảm bớt khó khăn đi lại cho các em.

Cô giáo chủ nhiệm lớp 5A2, Trường Tiểu học Bản Vược (Bát Xát - Lào Cai) nhận đỡ đầu em Vương Thị Thu, có hoàn cảnh khó khăn, đi học chuyên cần, đầy đủ.

Còn tại Đồn biên phòng Bát Xát, chúng tôi gặp hai “chiến sĩ” nhí là Tẩn Minh Khải (người Dao) và Thào Đức Dũng (người Mông). Đây là hai em có hoàn cảnh riêng éo le đã được cán bộ, chiến sĩ ở đây đón về nuôi dưỡng, sinh hoạt tại đồn. Ngoài giờ đến lớp học tập, hai em tham gia trồng rau, chăn nuôi, dọn dẹp vệ sinh nhà ở cùng các chiến sĩ biên phòng. Nhìn các em “chững chạc” trong bộ quần áo màu xanh, sinh hoạt và học tập theo nề nếp, giờ giấc quân đội, khuôn mặt toát lên vẻ thông minh, lanh lợi, ai cũng vui lây. Thiếu tá Nguyễn Như Khánh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bát Xát cho biết, hiện tại đồn đang nhận nuôi dưỡng sáu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, ngoài hai em được ăn ở tại đồn, còn bốn em được hỗ trợ tiền ăn hằng tháng tại gia đình, giúp các em tiếp tục đến trường.

Ở huyện Sa Pa, do sức hút của du lịch đã cuốn theo số lượng lớn trẻ em từ các làng bản lân cận đổ lên thị trấn Sa Pa để bán hàng rong, làm thuê kiếm tiền mưu sinh và phụ giúp gia đình. Theo Trưởng phòng LĐTBXH huyện Sa Pa Đỗ Thị Thanh Hằng, tại đây có số lượng trẻ em lao động sớm, bỏ học nhiều nhất trong tỉnh. Chỉ riêng hai xã Lao Chải và San Sả Hồ có 538 em lao động sớm, trong đó trẻ em nữ chiếm 10,3%. Sở LĐTBXH đã triển khai thực hiện mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lao động sớm” tại đây và ở các huyện vùng cao, vùng sâu Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Yên và Mường Khương. Kết quả là nhận thức về quyền trẻ em trong cộng đồng dân cư được nâng lên, 358 em có nguy cơ nghỉ học để lao động mưu sinh được trợ giúp kịp thời đã trở lại lớp học. Được sự trợ giúp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỉnh Lào Cai đã xóa bỏ hoàn toàn lao động trẻ em ở hai điểm nóng là xã Lao Chải và San Sả Hồ, ở khu du lịch quốc gia Sa Pa.

Hỗ trợ trẻ em đến trường và học nghề

Bên cạnh số trẻ em lao động sớm, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới của Lào Cai còn một số đông trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, như mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc một bên, trẻ em bị khuyết tật, tàn tật. Sở LĐTBXH, Hội chữ thập đỏ tỉnh và chính quyền các huyện, xã tập trung trợ giúp các em những điều kiện tốt nhất, thông qua các dự án hỗ trợ trẻ em, các phong trào nhân đạo xã hội. Ở huyện Bát Xát có phong trào “Mỗi cơ quan, đơn vị gắn với một địa chỉ nhân đạo”, thông qua các hình thức vận động gây quỹ như “Chung sức vì nhân đạo”, “Bữa ăn miễn phí”, “Hạt tóc vàng nhân đạo”…, từ năm 2010 đến nay, đã trợ giúp cho 2.441 trẻ em mồ côi, khuyết tật hoặc hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt đã đưa được 38 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bỏ học quay lại trường học tiếp.

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng Lào Cai cũng có phong trào “Nâng bước chân em đến trường” đạt kết quả thiết thực. Đại tá Trần Kim Phúc, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lào Cai cho biết, từ khi phát động phong trào, nhờ tiết kiệm lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ, mỗi đồng chí chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các phòng, ban nhận đỡ đầu hai cháu, còn lại các đơn vị cơ sở nhận đỡ đầu các cháu. Vì thế, 81 học sinh trên địa bàn biên giới Lào Cai đã tiếp tục được cắp sách đến trường nhờ tình yêu thương, đùm bọc của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai Đinh Thị Hưng cho biết, phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em lao động sớm thiết thực nhất là đưa các em trở lại học tập tại trường để có kiến thức văn hóa phổ thông làm nền tảng, bên cạnh đó quan tâm học nghề, tạo việc làm phù hợp với lứa tuổi, để làm “hành trang” cho các em bước vào cuộc sống một cách vững vàng, tự tin.

Theo Nhandan.com.vn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết