Quản lý học sinh bán trú

16:43 14-03-2023 | :143

Laocaitv.vn - Đủ điều kiện được ở bán trú, được hưởng đầy đủ chế độ của học sinh bán trú theo Nghị định 116, nhưng hiện tại, vẫn có hơn 1.200 học sinh của Lào Cai phải đi thuê trọ bên ngoài. Vì nhà trường không đáp ứng đủ cơ sở vật chất sinh hoạt theo nhu cầu. Tại Trường THPT số 2 Bát Xát, thực tế này đang gây ra nhiều khó khăn cho nhà trường trong công tác quản lý học sinh.

Hai em Thái và Xá ra trọ ở ngoài cảm thấy thoải mái hơn vì không chịu sự quản lý của thầy cô.

Sau 2 năm ở trong khu bán trú, sang lớp 12, Sùng A Thái chủ động xin chuyển ra ngoài ở trọ, nhường phòng cho các em lớp 10 mới nhập trường. Ở bên ngoài, dù cơ sở vật chất không được đảm bảo, nhưng với tâm lý của lứa tuổi, Thái thấy thoải mái hơn. Em Sùng A Thái, học sinh Trường THPT số 2 Bát Xát cho biết: "Năm nay có 6 lớp 10 xuống, đông quá nên em chủ động xin ra. Em được hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê nhà và tiền gạo. Ở bên ngoài, một mình thoải mái hơn".

Sử dụng điện thoại di động là cách giải trí phổ biến nhất của học sinh trong khu trọ này. Chơi game, đọc tin tức, kết nối với bạn bè chiếm phần lớn thời gian rảnh của các em sau mỗi giờ học. Em Sần Che Xá, học sinh Trường THPT số 2 Bát Xát cho biết: "Tan học về nhà, chủ yếu em ở phòng chơi điện thoại, thời gian rảnh thì đi chơi với các bạn. Ở trong kí túc thì các thầy cô quản chặt hơn". 

Trường THPT số 2 Bát Xát không đáp ứng đủ nhu cầu ở bán trú của học sinh.

Năm học 2022- 2023, khu bán trú của Trường THPT số 2 Bát Xát chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu ở bán trú của học sinh. Hiện tại có 167 học sinh đang phải thuê trọ bên ngoài hoặc ở nhà người thân. Trong đó có 138 em được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ở, chịu sự quản lý bán trú của nhà trường. Tuy nhiên, do lực lượng giáo viên mỏng, học sinh ở phân tán, nên để quản lý được tất cả các học sinh là không hề dễ dàng. Thầy giáo Trần Minh Đức, giáo viên Trường THPT số 2 Bát Xát cho biết: "Phụ trách bán trú, theo phân công chúng tôi phải quản lý học sinh bán trú cả trong và ngoài trường. Ngay từ đầu năm chúng tôi phải lập kế hoạch, đầu năm kiểm tra 1 lần/tuần, kỳ II tăng lên 2 lần/tuần. Cũng rất là khó khăn dù tôi rất cố gắng sâu sát với các em, lo nhất là những em bị rủ rê, lôi kéo, tệ nạn, bị lừa bán". 

Lo lắng của giáo viên là hoàn toàn có cơ sở khi thực tế tại trường này năm 2017 cũng đã có 3 trường hợp nữ sinh bị lừa bán sang bên kia biên giới. Dù được hỗ trợ tiền thuê trọ để các em yên tâm học tập. Vậy nhưng, vẫn còn đó trăn trở về vấn đề quản lý với nhóm học sinh này, nhất là ở khu vực vùng biên, bởi chỉ cần lơ là, sẽ có những hậu quả khó lường. 

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết