Laocaitv.vn - Mục tiêu giảm nghèo ở Mường Khương đang được cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc, nhất là vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, của mỗi đảng viên với công tác giảm nghèo trên địa bàn đã được nâng cao. Từ sự nỗ lực ấy mà mỗi năm qua đi kết quả giảm nghèo của huyện đã mang lại những kết quả đáng mừng. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện Mường Khương tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn tới, đặc biệt là hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2015-2020.
Toàn cảnh thị trấn Mường Khương
Để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Khương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo bền vững hiệu quả. Muốn thực hiện được mục tiêu này, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chương trình giảm nghèo. Đồng thời phát huy nội lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Kết quả, năm 2018 tỷ lệ giảm nghèo đạt 9,64%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 22%, đạt 175% kế hoạch tỉnh giao. Với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, năm 2018, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất là hơn 32 tỷ đồng. Nguồn lực này tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, cải thiện chất lượng giáo dục y tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Riêng với chương trình 135, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt… với nguồn vốn hỗ trợ gần 17 tỷ đồng. Chính vì vậy, trên địa bàn huyện đã hình thành rõ những vùng sản xuất chuyên canh ở vùng cao, trung, hạ huyện với những loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh mang tính hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người dân.
Trước đây, Thanh Bình là một trong những xã có khá nhiều khó khăn của huyện Mường Khương, nhưng nay đời sống của người dân đang được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ giảm nghèo của xã luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 11,7%, đến nay xã đã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới. Có được kết quả này chính là việc địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế giảm nghèo trong nhân dân. Nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả nay được bà con chuyển sang trồng một số loại cây mới như dưa, chè, lúa Séng cù, đây là những loại cây đang mang lại thu nhập cao cho người dân.
Nương chè tươi tốt của Gia đình bà Hà Thị Nghĩa
Gia đình bà Hà Thị Nghĩa, từ một hộ nghèo nay đã vươn lên thoát nghèo nhờ vào trồng chè. Từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng chính sách, năm 2000, gia đình bà chuyển sang trồng chè với diện tích 1 ha. Khi diện tích chè cho thu hoạch, mỗi năm gia đình bà cũng thu nhập được 60-70 triệu đồng. Năm 2018 vừa qua, một niềm vui đến với gia đình bà, đó là được công nhận thoát nghèo. Bà Hà Thị Nghĩa, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương chia sẻ: "Tôi nghĩ là cây chè sẽ là cây phát triển kinh tế được, vì vậy tôi đã mạnh dạn vay vốn của Nhà nước để đầu tư trồng chè, đến hôm nay nhìn nương chè xanh mướt, tươi tốt, tôi rất mừng. Nguồn thu từ chè hàng năm đã giúp kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định và nâng cao".
Trên cơ sở tiềm năng lợi thế của địa phương, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng, xã Thanh Bình đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo theo từng lộ trình cụ thể, gắn với đó là giải pháp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trông, vật nuôi. Phát huy tối đa nguồn lực hỗ trợ, để lồng ghép đầu tư vào sản xuất và đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, thì mục tiêu giảm nghèo cũng đồng thời đạt kế hoạch đề ra. Ông Vương Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Mường Khương cho biết: "Chúng tôi phải sát sao đến từng hộ để nắm bắt những khó khăn, chủ yếu là về vốn. Thời gian qua, người dân trong xã đều được tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Chúng tôi rất quyết liệt trong việc lãnh chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho từng cán bộ phụ trách các thôn, bản và đánh giá mức độ hoàn thành của từng cán bộ ấy. Do vậy, hiệu quả đạt được là rất rõ rệt".
Năm 2015, xã Bản Lầu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, những vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã được hình thành rõ nét và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, gần đây giá dứa xuống rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Các cơ quan chuyên môn đang vào cuộc để tìm ra các giải pháp nhằm phát triển cây dứa, chuối, đây là hai cây thế mạnh của địa phương được phát triển bền vững. Đối với chính quyền xã, không để tình trạng cung vượt cầu, đã định hướng cho người dân chuyển đổi sản xuất. Tại thôn Làng Ha, không ít hộ dân đã chuyển sang phát triển kinh tế lâm nghiệp. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao trước đây là hộ nghèo, chỉ quen với đốt nương làm rẫy, nay các hộ trong thôn tập trung chuyển sang trồng cây quế, với sự hỗ trợ của nhà nước theo dự án 661. Đến nay 30 ha quế của thôn Làng Ha đang lên xanh tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu cả chục tỷ đồng cho người dân trong tương lai không xa. Ông Nguyễn Thế Thùy, thôn Làng Ha, xã Bản Lầu, Mường Khương phấn khởi cho biết: "Năm 2013, 2014 được Dự án 661 hỗ trợ về cây giống và kinh phí trồng cây, gia đình tôi và bà con trong thôn Làng Ha đã chuyển sang trồng quế và các cây lâm nghiệp lâu năm, nên cuộc sống ổn định hơn trước nhiều. Hộ nghèo trong thôn giờ giảm đi rõ rệt".
Năng động, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bởi vậy mà năng suất, giá trị hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác của xã Bản Lầu thời gian qua tăng lên đáng kể, đời sống nhân dân không ngừng đổi thay. Nhiều loại cây mới tiếp tục được bà con mạnh dạn đưa vào trồng, điền hình như cây quế, lúa đặc sản Séng cù… Chình vì vậy, mà kinh tế, đời sống người dân trong thôn, trong xã không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ giảm nghèo của địa phương luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ông Cư Trữ, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: "Trong những năm qua, với chủ trương chuyển đổi nhưng cây kém hiệu quả như cây ngô, cây lúa sang trồng cây dứa, quế... đến nay đời sống của bà con được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Năm 2018, chúng tôi rà soát thì chỉ còn 109 hộ nghèo, chúng tôi dự kiến phấn đấu đến năm 2020, xã Bản Lầu sẽ giảm còn 3% tỷ lệ hộ nghèo".
Năm 2019, huyện Mường Khương phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 13-14%. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã và đang quyết liệt chỉ đạo sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nghèo để họ tự vươn lên, kết hợp với sự chung tay của cả cộng đồng để người nghèo nhanh chóng thoát nghèo… Đồng thời nắm bắt rõ nguyên nhân nghèo của các hộ dân, từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu. Đây chính là cách mà huyện Mường Khương đang tích cực triển khai, để công tác giải nghèo của huyện về đích so với kế hoạch đề ra.
Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết