Laocaitv.vn - Tiếng Anh là ngôn ngữ được dùng phổ biến trên toàn thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, ngành giáo dục thị xã Sa Pa đã và đang đẩy mạnh thực hiện chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Từ đó giúp trẻ hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh ngay từ nhỏ.
Một tiết học làm quen với tiếng Anh tại Trường Mầm non Tả Van.
Tại Trường Mầm non Tả Van, với phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” đã giúp cho những tiết học làm quen với tiếng Anh của các bé trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Điều đặc biệt là Tả Van nằm trên tuyến đường trekking của du khách quốc tế, nên nhiều khách du lịch qua đây đã xin được tham gia lớp học cùng trẻ. "Chủ yếu sử dụng những hình ảnh trực quan sinh động, những cái có sẵn ở địa phương, gần gũi với trẻ nhất; sử dụng trò chơi để giúp các em có hứng thú học tập, thêm yêu tiếng Anh", thầy Phạm Quốc Phòng, giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Tả Van, thị xã Sa Pa nói.
Còn tại Trường Mầm non Hoa Đào, mỗi tuần, 2 tiết học làm quen với tiếng Anh của trẻ 4 - 5 tuổi có sự tham gia của giáo viên người nước ngoài. Các bé được nghe, học phát âm và tương tác với giáo viên qua các trò chơi vui nhộn. Mỗi tiết học đều được thiết kế chỉn chu, có sự hỗ trợ của hình ảnh và âm nhạc. "Em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được học tiếng Anh. Em thích được học tiếng Anh với thầy giáo Hima", em Trần Minh Khôi, học sinh lớp 5 - 6 tuổi A2, Trường Mầm non Hoa Đào, thị xã Sa Pa bày tỏ.
Các bé được nghe, học phát âm và tương tác với giáo viên người nước ngoài.
Hiện, tất cả 21 trường mầm non trên địa bàn thị xã đã triển khai chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Để đảm bảo các giờ làm quen với tiếng Anh được duy trì đều đặn ít nhất 2 tiết/tuần, phong trào "trường giúp trường" được ngành giáo dục địa phương đẩy mạnh. "Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thị xã rất quan tâm chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trên địa bàn. Thị xã cũng đã bố trí giáo viên Tiểu học và THCS dành thời gian đến các trường mầm non giảng dạy. Hiện, cả 21 trường mầm non đều triển khai chương trình này", bà Đỗ Ngọc Phương, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết.
Với những giải pháp cụ thể từ ngành giáo dục, sự nỗ lực của mỗi giáo viên và đồng thuận ủng hộ của phụ huynh, chắc chắn trẻ em trên địa bàn thị xã Sa Pa sẽ có môi trường học tập ngoại ngữ tốt nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Hoàng Luyến - Phương Thảo
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết