Sức lan tỏa của phong trào thi đua yêu nước

05:46 11-06-2018 | :1177

Bác Hồ xuống ruộng đi cấy cùng nông dân. (Ảnh tư liệu)

Laocaitv.vn - Đúng vào ngày này cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi của Người mang ý nghĩa như lời hịch nhằm động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ giành thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

 

Ngay sau khi dành được độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn dân hưởng ứng Tuần lễ vàng rất đáng chú ý. Khi đó, ngân khố cả nước chỉ có 1.250.000 đồng, trong khi 850.000 bị rách không tiêu được. Thế là Tuần lễ vàng thu hút các nhà tư sản và toàn dân quyên góp xây dựng đất nước. Chỉ trong một tuần, nhân dân cả nước đã quyên góp được 370 kg vàng và 20.000.000 đồng tiền Đông Dương. Đủ điều kiện cho Việt Nam kháng chiến kiến quốc lâu dài. Từ hiệu quả của phong trào Tuần lễ vàng, Ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua Ái quốc, trở thành khởi nguồn cho phong trào, sự hưởng ứng sâu rộng của nhân dân Thi đua yêu nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân Việt Nam đem hết sức mình tham gia kháng chiến, kiến quốc, đưa đất nước ta vượt qua thời điểm khó khăn nhất, bảo vệ chính quyền non trẻ chúng ta mới giành được, xóa nạn đói, nạn dốt. Từ những kết quả bước đầu, phong trào thi đua ái quốc được tiếp thêm sức mạnh và tiếp tục phát triển, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Phong trào thi đua thể hiện rõ nhất trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp xâm lược, cả nước ra trận làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954. Chiến thắng của quân và dân ta đã làm lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nước ta bước vào giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho miền Nam, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ của dân tộc. Đây là thời kỳ xuất hiện nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa to lớn mãi khắc ghi vào lịch sử dân tộc. Các phong trào thi đua phù hợp với từng lứa tuổi, phát huy cao độ tinh thần, sức lực, trí tuệ từ các cụ già, tuổi trẻ đến thiếu niên nhi đồng đóng góp tích cực cho sản xuất và chiến đấu. Đó là phong trào: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tuổi cao, gương sáng”, “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt theo 5 điều Bác dạy”… Rất nhiều phong trào mang tính chất sục sôi: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu” hay “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Giỏi tay cày, chắc tay súng”. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền nam ruột thịt, tất cả để thắng Mỹ. Qua các phong trào thi đua xuất hiện rất nhiều gương anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc, là những tấm gương sáng trong sản xuất và chiến đấu. Sức mạnh của cả dân tộc đã làm nên chiến thắng thần kỳ. Chúng ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Cuối cùng, chúng ta đã giành thắng lợi, hai miền Nam Bắc thống nhất bằng dấu mốc chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong thời gian dài của đất nước hòa bình thống nhất dựng xây, thi đua vẫn là động lực lớn để phát triển. Lời kêu gọi của Bác năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Sự khẳng định của Người: “Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” vẫn hàng ngày hàng giờ được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua được phát động rộng khắp, đúng với bối cảnh: Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua tạo ra nhiều của cải phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đây là giai đoạn đầy gian khó trước yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý cho phù hợp với sự phát triển đi lên của đất nước. Nhưng dù khó khăn đến đâu, người Việt Nam đã quyết tâm là làm và làm bằng được mới thôi. Cả nước tham gia vào phong trào thi đua thời kỳ đổi mới là đẩy mạnh thực hiện ba chương trình lớn là sản xuất lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Chính ba chương trình này thành công đã đưa đất nước vượt qua khó khăn, thoát khỏi khủng hoảng về kinh tế, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể.

Khi Việt Nam mở cửa hội nhập quốc tế, đòi hỏi một tầm cao cho phù hợp với thực tiễn. Hơn 30 năm đổi mới đất nước là minh chứng rõ nhất khẳng định Việt Nam đầy sáng tạo có sức vươn và phù hợp với xu thế thời đại. Thi đua là động lực để phát triển. Rất nhiều học sinh, sinh viên đã nêu gương giáo sư Ngô Bảo Châu học và áp dụng đưa nền toán học Việt Nam lên một tầm cao mới. Bằng trí tuệ và bản lĩnh vững vàng, các em đã mang về nhiều huy chương danh giá trong các kỳ thi quốc tế. Rất nhiều phong trào thi đua trở thành tiêu điểm cho mọi người phấn đấu. Đó là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào hướng về biển đảo quê hương, phong trào xóa đói giảm nghèo trong đồng bào các dân tộc, phong trào tuổi trẻ học tập, rèn đức luyện tài vì ngày mai lập nghiệp, phong trào đưa công nghiệp Việt Nam vươn tới những tầm cao, Vài năm gần đây có thêm phong trào Xây dựng Nông thôn mới, phong trào xóa nghèo bền vững… Qua các phong trào thi đua luôn xuất hiện những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, tích cực góp phần đưa đất nước ta phát triển ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và có uy tín trên trường quốc tế.

Thi đua là động lực của sự phát triển. Điều đó được khẳng định rõ nét và Lào Cai là một địa phương chứng minh rõ nhất. Là một tỉnh địa đầu Tổ quốc có nhiều khó khăn, nhưng Lào Cai đã bứt phá vượt lên, đặc biệt là 27 năm qua kể từ ngày tái lập lại đến nay. Vẫn chưa thoát khỏi diện tỉnh nghèo nhưng Lào Cai được đánh giá vượt trội so với các địa phương trong khu vực trung du và miền núi phía bắc Tổ quốc. Bức tranh kinh tế - xã hội của Lào Cai được thể hiện phát triển qua từng giai đoạn. Nhịp độ tăng trưởng cao dần qua mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt mốc gần 60.000.000 đồng một năm và là địa phương giảm nhanh nhất tỷ lệ đói nghèo trong khu vực. Hàng năm, Lào Cai đều phát động phong trào thi đua toàn diện phát triển nền kinh tế xã hội và các phong trào thi đua chuyên đề, tạo điều kiện cho các ngành, các cấp và nhân dân các dân tộc tìm tòi, sáng tạo, phát huy hết khả năng phấn đấu giành thành tích cao nhất. Nhiều phong trào thi đua tiêu biểu được các cấp các ngành hưởng ứng rất nhiệt tình. Đó là phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phong trào phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, phong trào thu nộp ngân sách địa phương, phong trào xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, phong trào đường biên thanh niên làm chủ, phong trào Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc…Từ các phong trào thi đua, Lào Cai đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân các dân tộc, khai thác thế mạnh sẵn có làm giàu cho gia đình và cho xã hội. Sự năng động sáng tạo của các cấp, các ngành và người dân đã làm nên một diện mạo mới cho Lào Cai phát triển bền vững. Thế mạnh từ du lịch, dịch vụ, cửa khẩu, khoáng sản, vùng cây ăn quả đặc sản, những nông lâm sản đặc thù và các tiềm năng khác tạo điều kiện để Lào Cai nhanh chóng vượt lên. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn ở vị trí tốp các tỉnh dẫn đầu. Thu ngân sách Nhà nước ở địa phương những năm qua luôn là tỉnh đứng đầu trong số các địa phương miền núi phía bắc. Năm 2017, thu ngân sách đã tạo dấu mốc mới khá ấn tượng với 7518 tỷ đồng, tăng hơn nhiều so với kế hoạch được giao. Kinh tế phát triển là cơ hội tốt nhất cho các vùng của Lào Cai xóa đói giảm nghèo trong đồng bào. Rất nhiều hộ vươn lên làm giàu bằng phát triển kinh tế trang trại, lúa đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước lạnh, trồng chè đặc sản, vùng rau hoa chất lượng cao, vùng cây ăn quả ôn đới, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp địa phương. Từ các mô hình này, nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, trở thành những điển hình tiên tiến của đất nước.

Những điển hình tiên tiến được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018)

70 năm qua đi nhưng lời kêu gọi thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào mỗi người dân và phong trào luôn được duy trì: Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua. Như vậy, rõ ràng Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất.  Từ các phong trào thi đua yêu nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc,  Lào Cai đã phát động một đợt thi đua toàn diện thực hiện đạt hiệu quả cao nhất 4 chương trình công tác trọng tâm với 19 Đề án của Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước trong từng thời gian cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Lào Cai bằng hành động thiết thực của mình tích cực góp công sức dựng xây để nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục phát triển, vững bước đi lên. 

                                                                Nguyễn An Chiến


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết