Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

21:19 11-10-2021 | :1330

Laocaitv.vn - Mới đây, 17 học sinh tại Văn Bàn đã bị ngộ độc sau khi ăn quả hồng châu, một loại quả mọc hoang dại trong rừng, trong đó có 1 em tử vong. Đây là vụ việc rất đau lòng, là “hồi chuông” gióng lên với mỗi trường học vùng cao trong việc phối hợp với gia đình nhắc nhở, đảm bảo an toàn cho học sinh. Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng cần được tăng cường để các em tự phòng tránh được những nguy hiểm cho bản thân.

Giúp học sinh nhận diện những loại cây có độc.

Cây hoa chuông được người dân vùng cao trồng khá nhiều xung quanh nhà để làm cảnh. Vậy nhưng ít người biết, đây là một loại cây mà tất cả các bộ phận của nó đều có chứa độc tố, có khả năng tạo ảo giác, gây ngộ độc nếu lỡ ăn phải. Để các em học sinh hiểu được mức độ nguy hiểm của loại cây này, giáo viên điểm trường Trung Hồ đã tổ chức buổi học ngoại khóa giới thiệu trực tiếp giúp các em biết cách phòng tránh. "Ở đây trên rừng có nhiều loại hoa quả có độc, nên cũng phải dặn dò các em không được hái, được nghịch. Bố mẹ đã gửi gắm các em cho thầy cô thì chúng tôi cũng phải cố gắng rèn cho các em những kĩ năng mềm", thầy giáo Hoàng Văn Viên, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát nói.

Còn tại điểm trường chính, có máy tính, máy chiếu, giáo viên phụ trách thường xuyên cho học sinh theo dõi những clip tuyên truyền, để các em có thêm hiểu biết, tự tránh những mối nguy hiểm cho bản thân, nhất là ở môi trường học tập và sinh hoạt xa nhà. Xem xong clip về vụ ngộ độc mới đây tại Văn Bàn, em Tráng Thị Kim Bình, học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát chia sẻ: "Các thầy cô giáo có dặn chúng em là đi về nhà hay đi làm mà thấy quả này thì không được hái, không được ăn vì nó có độc rất nguy hiểm".

Nhiều trường đã có cẩm nang tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh.

Đảm bảo an toàn cho học sinh luôn được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua. Thực tế, ngoài nguy cơ ngộ độc như trường hợp mới xảy ra ở Văn Bàn, học sinh vùng cao còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn như đuối nước, tai nạn giao thông, nạn mua bán người... Chính vì vậy, không thể chủ quan, lơi lỏng trong quản lý học sinh. Cùng với đó, việc rèn kĩ năng mềm cho các em cũng vẫn là vấn đề phải được quan tâm hàng đầu, nhất là trong môi trường nội trú, bán trú. Em Sùng Thị Hương, học sinh Trường THCS Lùng Vai, huyện Mường Khương tâm sự: "Ở trường chúng em được tham gia nhiều tiết học ngoại khóa hữu ích. Qua những tiết học như thế, chúng em biết được nhiều điều, như cách để phòng tránh tệ nạn mua bán người, và về nhà thì em cũng tuyên truyền cho cả bố mẹ và mọi người ở nhà".

Về vấn đề này, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng nhấn mạnh: "Ngay từ đầu năm học chúng tôi đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã về đảm bảo an toàn trường học như cơ sở vật chất, điện ở các khu bán trú, đồng thời cũng có những kênh tuyên truyền để các em có thêm kĩ năng phòng chống các tai nạn thương tích có thể gặp".

Cũng cần xác định việc bảo đảm an toàn cho học sinh không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể và gia đình nhằm quản lý, bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em nhỏ trước những nguy cơ tai nạn, thương tích có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Thu Hường - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết