Tăng cường kiểm soát sa nhân, thảo quả dưới tán rừng tự nhiên

19:55 14-08-2024 | :85

Laocaitv.vn - Mục tiêu loại bỏ cây thảo quả dưới tán rừng là không dễ dàng. Nhưng khó khăn vẫn phải làm, bởi vì đây là cách để bảo vệ tài nguyên rừng. Thời gian qua, với nhiều giải pháp của ngành chuyên môn, diện tích thảo quả trong rừng tự nhiên đã giảm qua từng năm, tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 10.000 ha. Xóa bỏ thảo quả gắn với tìm cây trồng thay thế phù hợp, tạo sinh kế cho bà con là ưu tiên hàng đầu.

Theo thống kê, năm 2021, thị xã Sa Pa có 4.129 hộ canh tác thảo quả trong rừng tự nhiên, với trên 3.860 ha. Trong đó, Vường quốc gia Hoàng Liên quản lý trên 1.240 ha, Hạt Kiểm lâm thị xã quản lý trên 2.620 ha.

Thị xã Sa Pa có 4.129 hộ canh tác thảo quả trong rừng tự nhiên.

Ông Tạ Duy Tưởng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cụm xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa cho biết: “Hiện tại giữ nguyên những diện tích mà ngày xưa đã trồng. Có một số diện tích ngày xưa trồng, cây thảo quả cũng bị khô, bị chết cũng không trồng lại. Đối với sa nhân thì không cho trồng vào diện tích trồng tự nhiên”.

Kiểm lâm thị xã Sa Pa và Vườn quốc gia Hoàng Liên cũng đã kí cam kết với 100% hộ tự tháo dỡ lều lán trông coi thảo quả; thực hiện sản xuất, canh tác bền vững không tác động đến rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh còn khoảng 10.000 ha thảo quả dưới tán rừng tự nhiên, giảm 6.000 ha so với năm 2015. Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn cây thảo quả ra khỏi rừng tự nhiên là rất khó khăn.

Bà Tẩn Phẩy Chiêu, thôn Nậm Cang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Cũng mong muốn là bây giờ có dự án bảo vệ rừng, có nhà đầu tư về để chúng tôi hái cây thuốc về để nấu, chẳng hạn như cây màng tang để nấu dầu, cây thuốc tắm cũng phát triển thêm, vừa là dược liệu, vừa bảo vệ rừng”.

Để thực hiện đồng thời 2 mục tiêu dần loại bỏ cây thảo quả dưới tán rừng tự nhiên, vừa đảm bảo sinh kế, trước mắt, ngành chuyên môn định hướng để bà con canh tác thảo quả bền vững; đó là hướng dẫn chăm sóc, thu hái, sấy thảo quả đúng quy trình, hạn chế thấp nhất việc tác động đến rừng.

Quy hoạch vùng trồng hợp lý, hạn chế thấp nhất tác động đến rừng tự nhiên.

Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết: “Có lộ trình để thay thế cây thảo quả trong rừng tự nhiên. Thứ hai, là tạo sinh kế cho người dân. Ở đây, tại sao người dân trồng thảo quả bởi vì sinh kế của người dân chưa được nhiều, người dân gần rừng chủ yếu sống dựa vào rừng do đó chúng ta phải tìm những mô hình sinh kế tốt nhất”.

Không chỉ thảo quả mà đối với cây sa nhân, hiện toàn tỉnh cũng có trên 2.000 ha, nguy cơ tác động tiêu cực đến rừng. Vì vậy, các địa phương cần quy hoạch vùng trồng hợp lý, không khuyến cáo mở rộng diện tích, hạn chế thấp nhất tác động đến rừng tự nhiên, bảo vệ tài nguyên rừng để phát triển bền vững.

Thế Văn

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết