Laocaitv.vn - Mặc dù đã tăng cường công tác tuyên truyền, song tình trạng tảo hôn vẫn đang tiếp diễn ở nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng này không những để lại hệ lụy về kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi, mà tảo hôn còn để lại nỗi buồn và sự tiếc nuối đối với chính những người trong cuộc.
Vừa bước sang tuổi 16, đang học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên huyện Bắc Hà, thay vì tiếp tục con đường học hành phía trước, em Tráng Thị Mãng, xã Tả Van Chư đã theo chồng về Bản Phố. Còn chồng của Mãng khi ấy cũng mới bước sang tuổi 18 và lúc đó chàng trai này mới nhập Trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai được 02 tháng. Cả 02 chọn cách về chung sống với nhau ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ ước mơ đến trường và một tương lai tươi sáng hơn đang chờ các em ở phía trước. Sau 02 năm chung sống, cô gái dân tộc Mông này đã có 01 con trai hơn 1 tuổi và đang mang bầu bé thứ 02 ở tháng thứ 6. Em Tráng Thị Mãng tâm sự: "Tại mình là người nông thôn nên lấy chồng sớm, nhà không có điều kiện nên không đi học nữa. Mình nghỉ học ở kỳ 1 của lớp 11, về nhà chồng thì làm công việc nhà và đi lên nương trồng ngô, trồng sắn thôi".
Mới 16 tuổi nhưng em Mãng đã có 01 con trai và đang mang bầu bé thứ 02 ở tháng thứ 6. (Ảnh: Phương Liên)
Bất đắc dĩ phải làm bố chồng ở tuổi 38, ông Vàng Seo Ly, thôn Bản Phố 2b, xã Bản Phố từng trải qua khoảng thời gian rất buồn của một người làm cha. Bản thân là cán bộ thôn, ông Ly là người tích cực tuyên truyền, vận động bà con không nên để con em mình tảo hôn. Chính vì vậy, việc con trai đặt mình vào thế đã rồi khiến ông không những buồn, mà còn cảm thấy xấu hổ. Ông Vàng Seo Ly chia sẻ: "Tôi đang ăn cơm thì nói gọi điện bảo con đưa vợ về nhà, bố về ngay. Tôi về cũng đã khuyên nhủ, bảo để học xong đã, cả 02 đứa đang học, lấy vợ sớm làm gì, ăn hỏi thôi, tạo điều kiện cho 02 đưa học xong cưới cũng được. Nhưng nó có đi học nữa đâu, nó ở nhà luôn, hỏi ra mới biết đã có thằng cu 05 tháng rồi, phải lấy thôi. Tôi rất xấu hổ lắm, nhưng phải chấp nhận".
Với đặc thù 99% đồng bào dân tộc Mông, cũng như một số xã vùng cao khác, Bản Phố đối mặt với nhiều vấn đề xã hội xuất phát từ chính nhận thức, tập quán của bà con. Trong đó, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra khá nan giải. Thống kê cho thấy: Trong năm 2018, toàn xã xảy ra 08 trường hợp tảo hôn (độ tuổi lập gia đình của các em chỉ từ 14 đến 17 tuổi). 09 tháng năm 2019, tình trạng này có giảm, mới ghi nhận 03 trường hợp, nhưng con số này cũng chỉ là tạm thời. Rất nhiều trường hợp ở Bản Phố khi bố mẹ đủ tuổi đăng ký kết hôn thì đã có từ 01 đến 02 con rồi. Thực tế này không những gây nhiều khó khăn trong công tác tư pháp, quản lý hộ khẩu ở địa phương, mà để lại nhiều hệ lụy nặng nề về mặt xã hội. Tuy nhiên, giải pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động, giải thích. Ông Vàng Seo Sàng, Bí thư Đảng ủy xã Bản Phố, huyện Bắc Hà cho biết: "Theo quy định không được đăng ký, nhưng mà con cháu sinh ra thì phải khai sinh, để còn đi học nữa, liên quan đến báo cáo hàng tháng của nhà trường. Chúng tôi cũng lúng túng lắm, nhiều cái là phải châm chước thôi, nhiều cháu 02 tuổi chưa khai sinh, thực ra chúng tôi chia sẻ thôi, ở vùng sâu, vùng xa thực sự là khó".
Không những để lại nhiều hệ lụy về kinh tế, ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi, mà tảo hôn còn để lại nỗi buồn, sự tiếc nuối đối với chính những người trong cuộc. Nỗi buồn của những người làm cha, làm mẹ bởi họ chưa thực sự quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ và định hướng cho con cái. Còn đối với chính các chàng trai, cô gái, sau những gì đã trải qua thì sự tiếc nuối là điều không tránh khỏi. Em Tráng Thị Mãng chia sẻ: "Nhiều lúc mình nghĩ lại thấy tiếc lắm, cuộc sống không được như ngày xưa, phải đi làm, phải chăm con, với lại xa bố mẹ, rất nhớ bố mẹ. Nếu được ước mơ, mình ước mình chưa lấy chồng, được đi học và thực hiện ước mơ của mình đó là học lên cao, sau này đi làm giúp đỡ bố mẹ".
Cũng như các xã vùng cao khác, những năm gần đây, xã Bản Phố đã có nhiều đổi thay tích cực, bộ mặt nông thôn mới đang dần hiện hữu; đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, một số tập quán lạc hậu, trong đó có tình trạng tảo hôn vẫn đang là vấn đề xã hội khá nan giải, bởi việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của đồng bào không phải vấn đề có thể giải quyết trong một sớm, một chiều./.
Phương Liên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết