Laocaitv.vn - Trong bức thư ngày 15 tháng 10 năm 1968 gửi cho ngành Giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Lời dạy ngắn gọn, nhưng có ý nghĩa rất sâu xa với ngành Giáo dục - Đào tạo và với toàn xã hội, không chỉ trong những năm kháng chiến ác liệt mà trong suốt quá trình phát triển của sự nghiệp chăm lo xây dựng phát triển con người; có ý nghĩa tư tưởng sâu sắc đồng thời là bài học về khoa học giáo dục và quản lí giáo dục.
Năm 1968, cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, rất cam go và đầy hi sinh gian khổ. Nhưng toàn Đảng toàn dân vẫn không ngừng chăm lo phát triển giáo dục, đảm bảo quyền lợi học hành cho trẻ em và cho mọi người, chuẩn bị cho xây dựng và phát triển đất nước lâu dài theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi thế, các trường học phải sơ tán, phải đào hầm hào, trẻ em đội mũ rơm đến trường để tránh bom đạn. Trẻ em ở vùng đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh được đưa ra các tỉnh phía Bắc để duy trì học hành. Hoàn cảnh thời chiến, biết bao là thiếu thốn về giấy bút sách vở và cơm ăn áo mặc hàng ngày. Lời dạy của Bác khích lệ thầy trò, khích lệ toàn dân vượt khó vươn lên. “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, toàn ngành Giáo dục đã vượt khó khăn vươn lên và đạt nhiều thành tựu to lớn. Lời dạy ấy thành khấu hiệu cổ vũ phấn đấu của tất cả các trường học.
Hòa bình lập lại, không còn cảnh đạn bom nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn do hậu quả chiến tranh, do đất nước còn nghèo. Miền núi vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc càng nhiều khó khăn hơn. Bởi thế, lời Bác dạy tiếp tục khích lệ vượt khó vươn lên.
Nhưng lời Bác dạy không chỉ là bài học yêu cầu vượt khó mà còn là tư tưởng về nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi của nhà trường, đó là dạy và học. Đây là nội dung nhiệm vụ chính trị cơ bản của toàn ngành và của từng nhà trường, của từng nhà giáo. Trong chiến tranh, tuy gian khó nhưng có rất nhiều hoạt động sôi nổi, cuốn hút trẻ em, rất dễ sao nhãng nhiệm vụ trọng tâm là dạy và học. Bác dạy vượt khó là để tập trung vào nhiệm vụ cơ bản là dạy và học. Trong thời bình, vượt khó cũng là để tập trung làm tốt nhiệm vụ cơ bản là dạy và học. Mọi hoạt động phải phục vụ cho dạy và học, phải hướng tới mục tiêu chất lượng và hiệu quả giáo dục. Hơn thế nữa, Bác yêu cầu “phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Nghĩa là phải nỗ lực liên tục, không ngừng nghỉ. Nghĩa là phải tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, cuốn hút mọi người. Và quan trọng là phải “dạy tốt, học tốt”. Bốn chữ “dạy tốt học tốt” đã nói rõ yêu cầu nội dung và phương pháp giáo dục như nhiều lần Bác đã nêu rõ, nhằm đáp ứng nhu cầu sự nghiệp cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trong đó từng bậc học, cấp học phải dạy và học những gì, tất cả phải hướng tới mục tiêu chất lượng và hiệu quả. Hiểu và thực hiện như vậy mới quán triệt đầy đủ, toàn diện và sâu sắc lời dạy của Bác Hồ.
Những thành tựu giáo dục của tỉnh ta đạt được trong các thời kì đã qua là kết quả tinh thần phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Lời dạy của Bác sẽ soi đường cho toàn ngành phấn đấu vươn lên trong giai đoạn tiếp theo.
Mỗi giai đoạn phát triển giáo dục luôn có những khó khăn đặt ra, thậm chí có khó khăn thách thức gay gắt, nhất là ở vùng cao, cần phân tích đánh giá kĩ càng để tìm giải pháp phấn đấu thực hiện đầy đủ và toàn diện lời dạy của Bác Hồ. Không thấy hết khó khăn thực tế của từng giai đoạn là duy ý chí. Nhưng viện dẫn những khó khăn để chùn bước, hoặc để bao biện cho những yếu kém về chất lượng và hiệu quả dạy và học là sai lầm về nhận thức và hành động. Những biểu hiện chạy theo thành tích hình thức, không nhìn thẳng vào những hạn chế yếu kém, đối phó, sao nhãng nhiệm vụ trọng tâm là dạy và học, trì trệ trong việc nâng cao chất lượng hiệu quả, gian dối trong báo cáo, trong thi cử, kiểm định chất lượng và trong thi đua, sao nhãng nhiệm vụ trọng tâm, đều là những biểu hiện cần được phê phán để phòng tránh và loại trừ.
Bác Hồ khích lệ vượt khó, liên tục tạo nên phong trào thi đua, tập trung vào nhiệm vụ chính trị cơ bản cốt lõi là dạy tốt và học tốt, với yêu cầu chất lượng và hiệu quả cao, toàn diện. Trong giai đoạn hiện nay, dạy tốt và học tốt là đổi mới nội dung và phương pháp, chuyển từ giáo dục chủ yếu coi trọng kiến thức sang giáo dục phát triển năng lực và phẩm chất người học để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước phát triển trong giai đoạn mới, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Từng địa phương, vùng thấp hay vùng cao, từng trường lớp, cụ thể với từng học sinh luôn có những khó khăn thách thức. Trách nhiệm của ngành, của từng trường, từng nhà giáo và của người học là vượt khó để đạt tới mục tiêu và hiệu quả dạy tốt và học tốt.
Vượt khó, tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt theo yêu cầu đổi mới là thể hiện tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực hiện nay.
Cao Văn Tư
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết