Thích ứng với thay đổi trong chính sách hỗ trợ giáo dục

10:58 08-11-2021 | :1025

Laocaitv.vn - Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có những chính sách rất phù hợp, thể hiện sự quan tâm chăm lo đặc biệt để phát triển sự nghiệp giáo dục ở những khu vực còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lào Cai đã có những chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho học sinh ở khu vực này, giúp các em yên tâm bám trường, bám lớp... Bắt đầu từ năm học 2021-2022 áp dụng những chính sách mới. Vậy chính quyền địa phương, ngành Giáo dục cũng như các bậc phụ huynh đã và đang thích ứng ra sao với những thay đổi về chính sách dành cho giáo dục vừa được ban hành?

 

 

Chị em Mai được ăn, ở tại trường để thuận lợi cho việc học tập.

Những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước và của tỉnh trong suốt nhiều năm qua đã thực sự đóng vai trò quyết định mang tới những đổi thay cho giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai. Từ thôn Cốc Lầy, thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Lùng Vai, huyện Mường Khương ra điểm trường chính để học tập, Ma Thị Mai và 4 đứa em của mình đều được hưởng chế độ bán trú, được ăn ở tại trường để thuận lợi cho việc học tập. Điều này quyết định việc cả 5 chị em đều tới trường, bởi gia đình em Mai có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ông bà nội em hiện đang phải nuôi tới 10 cháu nhỏ thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Em Mai chia sẻ: "Ra đây chúng em được ở bán trú, được học với các bạn rất vui. Cô giáo nấu ăn thì ngon. Các thầy cô giáo chăm sóc chúng em cũng rất tốt".

Mỗi năm, tỉnh Lào Cai có tới vài chục nghìn học sinh ở các địa bàn khó khăn được hưởng chế độ hỗ trợ học tập như em Ma Thị Mai. Theo số liệu thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh thì từ đầu năm đến hết tháng 9 toàn tỉnh có 9.434 học sinh, sinh viên được hưởng chính sách về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo diện học sinh con hộ nghèo, cận nghèo theo Nghị định số 86 của Chính phủ. 5.583 học sinh được hỗ trợ tiền ăn; 1.429 học sinh được hỗ trợ tiền ở; trên 37.000 em được hỗ trợ gạo theo Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Cùng với đó, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh theo Nghị quyết số 29 ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh, cũng có 1.443 học sinh được hưởng hỗ trợ với kinh phí thực hiện trên 2,1 tỷ đồng. Với điều kiện kinh tế, xã hội của một tỉnh vùng cao, biên giới như Lào Cai, các chính sách này đã hỗ trợ rất nhiều, giúp các em học sinh có điều kiện để học tập tốt hơn.

Tỉnh Lào Cai có chính sách hỗ trợ cho học sinh ở các địa bàn khó khăn, giúp các em yên tâm bám trường, bám lớp.

Tuy nhiên từ đầu năm học 2021 - 2022, việc thay đổi một số chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục đang có những tác động nhất định đến cả học sinh, phụ huynh và hoạt động của các nhà trường. 

Năm học này, công việc cấp dưỡng của anh Hoàng Văn Sơn tại Trường Tiểu học Pha Long, huyện Mường Khương vất vả hơn khá nhiều do 1 cấp dưỡng đã bị cắt giảm. Mỗi ngày anh phải “đau đầu” tính toán để nấu nướng sao cho hợp lý, bởi xã Pha Long đã về đích nông thôn mới nên theo Quyết định 861 các chế độ bán trú cho học sinh bị cắt giảm, chỉ còn 12.000 đồng hỗ trợ tiền ăn/ngày/học sinh theo chính sách riêng của tỉnh. Anh Sơn chia sẻ: "Mức ăn của các cháu rất thấp, bữa sáng chỉ có 2.000 đồng, bữa tối và trưa chỉ khoảng 5.800 - 6.000 đồng. Cũng phải tính toán xem nấu nướng thế nào để các cháu được ăn đảm bảo".

Hằng ngày anh Sơn đều tính toán để đảm bảo bữa ăn cho các em học sinh.

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai thì theo Quyết định 861, toàn tỉnh có khoảng 135.000 học sinh không còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo và miễn, giảm học phí, chiếm khoảng 60% số học sinh toàn tỉnh. Ông Đặng Thành Chung, Hiệu trưởng Trường THCS số 1 xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho biết: "Đối với gạo thì kêu gọi phụ huynh có con ở bán trú nộp tiền gạo, còn đối với tiền ăn nhà trường kêu gọi phụ huynh tăng gia sản xuất, tiếp tục ủng hộ tiền ăn 200.000 đồng/tháng. Bảo hiểm y tế cũng ảnh hưởng rất lớn, năm ngoái trường có 237 em được hỗ trợ nhưng năm nay chỉ còn 130 em được hỗ trợ thôi".

Việc Nhà nước giảm bớt sự hỗ trợ trực tiếp dành cho học sinh ở các xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tức là ở những nơi mà điều kiện kinh tế, xã hội của cộng đồng và gia đình đã tốt hơn so với trước là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung. Tuy nhiên để có bước đệm, tránh tạo ra hiện tượng sốc chính sách, HĐND tỉnh Lào Cai đã kịp thời ban hành Nghị quyết 12 về việc tiếp tục hỗ trợ cho học sinh các xã khu vực II và khu vực III đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Nhưng về lâu dài, điều quan trọng hơn vẫn là thay đổi nếp nghĩ, hình thành thói quen mới trọng cộng đồng. Đó là khi đã có đủ điều kiện thì mỗi gia đình cần phải sẵn sàng và chủ động chăm lo cho việc học tập của con em mình.

Liên quan tới chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng cao, năm học 2021 - 2022, tình trạng học sinh thiếu sách giáo khoa để học tập khá phổ biến tại một số trường học và kéo dài suốt từ đầu năm học đến nay. Một lần nữa, sự chủ động, tích cực của mỗi nhà trường và nhất là các bậc phụ huynh lại cần phải được nhắc đến.

Giải pháp trước mắt để có sách giáo khoa cho học sinh học là hằng tuần cô Nghiêm sẽ phải phô tô sách.

Mỗi tuần 1 lần, cô giáo Dì Thị Nghiêm, giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Suối Thầu, thị xã Sa Pa sẽ về Lào Cai hoặc trung tâm thị xã Sa Pa để phô tô tài liệu cho các em học sinh. Ban đầu chỉ là giải pháp tình thế, nhưng đến khi học kì 1 đã trôi qua phân nửa thời gian mà học sinh vẫn phải học bằng những trang sách phô tô thì nỗi lo bắt đầu xuất hiện. Cô Nghiêm chia sẻ: "Chương trình mới mà không có sách thì rất khó để học. Trong thời gian chờ có sách thì chúng tôi chỉ phô tô từng tuần cho tiết kiệm. Đảm bảo là tất cả các em đều phải có sách học tập".

Theo đại diện ngành Giáo dục thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng xuất phát từ việc triển khai chính sách mới. Cụ thể là từ năm học 2021-2022, Chính phủ có chính sách hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/tháng/học sinh ở các thôn, bản, xã khu vực III theo Nghị định số 81, có hiệu lực từ 15/10/2021. Số tiền này đủ để mua sách giáo khoa và các thiết bị đồ dùng học tập khác cho học sinh. Nhưng nút thắt nằm ở chỗ kinh phí được giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục chi trả trực tiếp cho cha mẹ học sinh chứ không do ngành Giáo dục tự đứng ra mua như trước, do là năm đầu triển khai nên cũng có những lúng túng, khó khăn nhất định. Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: "Theo quy định kinh phí hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học và chi trả 2 lần/năm. Lần 1 chi trả 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11; lần 2 chi trả 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 và hỗ trợ trực tiếp cho cha mẹ học sinh. Trong khi đó, học sinh phải có sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập ngay từ đầu năm học. Vì vậy rất cần sự chủ động của cha mẹ học sinh mua sách vở cho học sinh trong thời gian chờ các cơ quan chức năng thực hiện quy trình xét duyệt, cấp phát, chi trả kinh phí".

Những câu chuyện mà chúng tôi vừa đề cập đã phần nào cho thấy độ trễ nhất định trong việc thích ứng với những thay đổi của chính sách, đặc biệt là ở phía các phụ huynh học sinh. Nếu như mỗi hộ gia đình cố gắng bỏ trước ra một khoản tiền nhỏ để mua sách giáo khoa cho con, sau đó nhận lại từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì cả thầy và trò các nhà trường đã không phải khó khăn về sách giáo khoa như trong suốt hơn 2 tháng qua. Cũng tương tự như vậy là chuyện suất ăn của học sinh bán trú. Mỗi gia đình đều cần phải có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo nuôi dưỡng con em mình, dù điều kiện kinh tế có thể vẫn còn khó khăn. Việc thay đổi tâm lý thụ động, khoán trắng việc học tập của con em cho Nhà nước vẫn tồn tại trong một bộ phận người dân thuộc trách nhiệm tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền các địa phương và các nhà trường. Và thực tế là có không ít địa phương đang làm khá tốt điều này. Ông Nguyễn Quang Úy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Thắng cho biết: "Vừa qua huyện đang chỉ đạo các xã tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu vì khẳng định trước đây chưa có Quyết định 861 thì việc bán trú dân nuôi là bình thường, cho nên chúng tôi xác định vấn đề này phải từ cấp ủy, chính quyền và Nhân dân".

Mong rằng ngành Giáo dục địa phương sẽ thích ứng tốt với những thay đổi của chính sách.

Ông Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: "Chúng tôi thấy rằng Nghị quyết 12 là sự động viên rất lớn, nhất là với bà con dân tộc thiểu số, để tiếp tục duy trì tốt công tác giáo dục trên địa bàn. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tuyên truyền để bà con nhận thức đúng đắn về việc học của con em mình".

Việc thích ứng với những thay đổi về chính sách dành cho giáo dục có thể sẽ còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong bước đầu triển khai. Tuy nhiên sự quan tâm tháo gỡ kịp thời của tỉnh, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương và cách làm sáng tạo ở mỗi nhà trường sẽ là điểm tựa để giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Trong quá trình thực hiện nội dung này, chúng tôi đã đi tới nhiều trường học ở những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh, được chứng kiến những lớp học vẫn đông vui, sôi nổi, những bữa ăn bán trú vẫn tươm tất, đầy đủ dinh dưỡng. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng, vượt qua những khó khăn trước mắt, ngành Giáo dục địa phương sẽ thích ứng tốt với những thay đổi của chính sách để tạo ra những nấc thang phát triển mới trong sự nghiệp trồng người.

Thu Hường – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết