Thủ tướng: "Không để tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái cho năm nay"

14:10 01-12-2017 | :413

Laocaitv.vn - Thủ tướng yêu cầu phải tìm ra các giải pháp mới, hiệu quả, không để tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái mà làm năm nay.

Sáng 1/12, phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận tích cực về các giải pháp kinh tế xã hội để xây dựng Nghị quyết 01/2018. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11

Tăng giá điện ở mức cần thiết

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 3 sự kiện lớn trong tháng 11. Với kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Chính phủ đã chủ động đề xuất nhiều vấn đề luật pháp và điều hành kinh tế xã hội năm 2018 và Quốc hội đã có các Nghị quyết quan trọng cho năm 2018.

Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã tham gia trả lời chất vấn trực tiếp và có ý kiến tại hội trường. Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao chất lượng điều hành của Chính phủ năm 2017, nhưng đồng thời nêu ra những bất cập, tồn tại, mà với tư cách là cơ quan điều hành, Chính phủ phải xử lý tốt hơn trong năm 2018.

Tháng 11 cũng đánh dấu sự thành công của Tuần lễ cấp cao APEC. Suốt một năm qua, Chính phủ với trách nhiệm cao nhất, đã làm tốt công tác chuẩn bị hậu cần, nội dung, vận động tài trợ, công tác an ninh, an toàn cho tất cả các sự kiện của Năm APEC 2017.

Tháng 11, nước ta gặp phải thiên tai, bão lũ lớn, trong đó, cơn bão số 12 tàn phá nặng nề 9 tỉnh miền Trung, thiệt hại nặng nề nhất là Khánh Hòa và Phú Yên. Mặc dù Chính phủ, các cơ quan chức năng đã có sự chỉ đạo quyết liệt, nhưng do mấy chục năm qua, Khánh Hòa không có bão, nhận thức của nhân dân về phòng chống bão chưa tốt, cộng thêm bão kéo dài, giật cấp 15, nên hậu quả vẫn nặng nề.  

Về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng nêu ra những thông tin đáng mừng, trong đó lạm phát trong tầm kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao; du lịch, dịch vụ tăng trưởng tốt; thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cao; xuất siêu trên 2,8 tỷ USD. Nhiều chỉ tiêu quan trọng khác cũng đạt kết quả tốt. Trong đó, số doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh, tháng 11 đạt 10.900 doanh nghiệp và ước cả năm nay sẽ đạt khoảng 120.000 doanh nghiệp.

Tuy vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra và cần xử lý, trong đó có việc khắc phục thiên tai, bão lũ. Theo ước tính, thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay khoảng hơn 52.000 tỷ đồng, riêng bão số 12 gây thiệt hại 23.000 tỷ đồng.

Thủ tướng cũng nhắc tới tình trạng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, mới đạt gần 63%. Sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động còn nhiều. Một số vấn đề khác như bạo lực trẻ em, đầu tư tiền ảo, kinh doanh đa cấp, hàng giả hàng nhái, an toàn thực phẩm, hóa chất độc hại... vẫn diễn ra. Tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều nơi nghiêm trọng…

Mặc dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành không được chủ quan. Về quyết định tăng giá điện 6,08% từ 1/12, Thủ tướng cho biết trên cơ sở các phương án do các bộ trình, Thủ tướng đã thảo luận kỹ lưỡng với các Phó Thủ tướng và quyết định tăng ở mức cần thiết nhưng vẫn đảm bảo lạm phát trong tầm kiểm soát.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội trong năm nay.

“Chúng ta chỉ còn đúng 1 tháng nữa là bước vào năm 2018, khối lượng công việc còn rất lớn, nhiều việc chúng ta làm chưa phải tốt, không được chủ quan. Chính vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục tập trung theo ngành, lĩnh vực của mình, chỉ đạo để hoàn thành mọi mục tiêu đề ra. Trong đó có việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tận dụng tốt cơ hội tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nhân dịp cuối năm. Năm nay chúng ta nói khởi nghiệp doanh nghiệp, khởi nghiệp quốc gia, xúc tiến đầu tư, kêu gọi phát triển, cải cách thủ tục hành chính, chúng ta đã làm nhiều việc thúc đẩy, nhưng còn nhiều việc chưa tốt cần tiếp tục thúc đẩy”, Thủ tướng nêu rõ.

Không lấy nghị quyết năm ngoái làm năm nay

Để chủ động thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2018, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng Nghị quyết 01/2018 để sớm triển khai ngay từ đầu năm. Nhất là 2018 là năm thứ 3 của giai đoạn 5 năm. Chính phủ sẽ có một cuộc họp toàn quốc với các địa phương để triển khai các kế hoạch.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Đặc biệt chúng tôi lưu ý các đồng chí, những nhiệm vụ, những giải pháp trọng tâm từng ngành, lĩnh vực, để chúng ta đưa vào Nghị quyết số 01 về điều hành kinh tế xã hội năm 2018. Không để có tình trạng lấy Nghị quyết năm ngoái mà làm cho năm nay. Tôi yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ xem xét, chốt lại những vấn đề quan trọng trong điều hành, để có gì mới, để thể hiện quyết tâm của chúng ta trong thực hiện kế hoạch, nhất là thực hiện mục tiêu nhiệm vụ mà BCH Trung ương, Tổng Bí thư đã kết luận, Quốc hội đã có Nghị quyết”.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành thảo luận về những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống, tham nhũng, để triển khai công tác này hiệu quả.

“Nếu chỉ có Đảng nói, Đảng chỉ đạo mà Chính phủ, các cấp chính quyền, các Bộ trưởng không hưởng ứng những chủ trương quan trọng này, thì không thể thành công. Chúng ta phải hành động. Kỷ cương, kỷ luật, phép nước trong chống tham nhũng tiêu cực ở các cấp các ngành, địa phương, cấp cơ sở rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo chương trình, trong 1 ngày hôm nay, các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng; các dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; về y tế và dân số; sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch…

Chính phủ cũng xem xét các báo cáo tổng hợp đề xuất xây dựng các luật, pháp lệnh; sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020; Đề án cơ cấu lại đầu tư công…/.

"Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 11 tháng của năm nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,13%, bình quân tăng 3,61%; lạm phát cơ bản tăng 1,42%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao, 9,3%. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7%. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 11,65 triệu lượt, tăng 27,8%.

Vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, với vốn đăng ký đạt 19,8 tỷ USD, tăng 52%; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 33,1 tỷ USD, tăng 53,4%. Xuất khẩu đạt gần 194 tỷ USD, xuất siêu trên 2,8 tỷ USD.

Số doanh nghiệp thành lập mới là 116.000 với số vốn đăng ký tăng 41,9%; trên 24.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động."

Vũ Dũng/VOV


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết