Tiềm ẩn nhiều rủi ro từ lao động "chui"

08:08 02-04-2019 | :445

Laocaitv.vn - Vì thiếu việc làm, từ nhiều năm nay, tình trạng người dân vùng cao ở Lào Cai vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm diễn ra khá phổ biến, đây là một việc làm trái pháp luật, nhiều rủi ro đối với người lao động. Dù các cấp chính quyền đã tuyên truyền, cảnh báo về hệ lụy khó lường từ việc đi lao động “chui”, song tình trạng này vẫn chưa có chiều hướng giảm.

Gia đình chị Sùng Thị Hoảng đi làm thuê trái phép lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị công an Trung Quốc bắt giữ 

Ngôi nhà cấp 4 đang được hoàn thiện của gia đình chị Sùng Thị Hoảng ở thôn Tả Thèn A, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương là toàn bộ đồng lương tích cóp được sau hơn 2 năm, 6 nhân khẩu của gia đình đi làm thuê ở Trung Quốc. Hầu hết những người như gia đình chị khi sang Trung Quốc đều đảm nhận những công việc như: phát nương, đào hố trồng cây, chăm sóc chuối, phun thuốc trừ cỏ, gùi hàng, lấy mủ cao su, làm gỗ ép… Thu nhập mỗi ngày từ 350.000 đồng đến 700.000 đồng. Dù vậy, nhưng những khó khăn do việc đi làm thuê trái phép luôn khiến cuộc sống của các thành viên trong gia đình chị gặp nhiều nguy hiểm.  "Nhà tôi cả nhà sang Trung Quốc làm thuê, không còn ai ở nhà trông con nên cho cả 2 đứa trẻ con sang luôn, nhiều lúc con ốm muốn mua thuốc cho con nhưng cũng không biết mua ở đâu. Chưa kể, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bởi bị bắt lúc nào không biết", chị Hoảng cho biết thêm.

Sau 2 năm sống làm việc ở xứ người, do gặp quá nhiều khó khăn, anh Sùng Chúng, thôn Tả Thèn A, xã Thanh Bình lại khăn gói tìm đường về nhà. Anh Chúng chia sẻ: "Khi sang Trung Quốc làm thuê anh đã được đưa vào làm một công ty may, nhưng do không biết tiếng Trung Quốc, phải đi xe ô tô 3 ngày 3 đêm liên tục mới đến công ty để làm. Không thể chịu được, anh phải bỏ về".

Anh Sùng Chúng kể lại những khó khăn gặp phải khi lao động trái phép  

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đi lao động trái phép là bởi đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm. Cùng với đó, việc đi xuất khẩu lao động hợp pháp thường vượt quá khả năng do phải đóng mức chi phí cao hơn, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn đạt chuẩn và quản lý giờ làm việc nghiêm ngặt… Việc liều mình vượt biên cũng đã đẩy các ngành chức năng, chính quyền địa phương vào “thế khó” trong quản lí nhân khẩu cũng như quản lí hoạt động xuất, nhập cảnh. Trên thực tế, đã xuất hiện dấu hiệu kẻ xấu lợi dụng việc đi lao động để mua bán người, trộm cắp tài sản, trấn cướp... đã xảy ra một vài vụ người lao động bị thương hoặc bị chết do tai nạn lao động không được đền bù. Ông Vùi Khái Sinh, Phó Chủ tịch HĐND xã Thanh Bình, huyện Mường Khương cho biết: "Chúng tôi cũng mong muốn có nhiều chính sách ưu đãi để bà con nhân dân trong thôn, xã có việc làm ổn định ở địa phương để không còn tình trạng vượt biên làm thuê trái phép".

Nhằm giúp đồng bào an cư trên quê hương mình, ngăn chặn thực trạng người dân xuất cảnh lao động bất hợp pháp, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực vào cuộc. Trong đó, các mô hình thanh niên lập thân, lập nghiệp, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ tín dụng, áp dụng các mô hình kinh tế mới hiệu quả được coi là giải pháp phù hợp và cần được tiếp tục nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới. Ngoài ra, các ngành và các địa phương cũng cần nghiên cứu có những chính sách phù hợp để giúp nhân dân có thể đi lao động một cách hợp pháp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con nhân dân.

 Đức Tính


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết