Laocaitv.vn - Sáng ngày 13/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Laocaitv.vn - Sáng ngày 13/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh buổi họp.
Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, đến ngày 11/6, cả nước có 55 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy gần 2,5 triệu con lợn.
Tại tỉnh Lào Cai, bệnh dịch phát sinh từ ngày 16/5 tại xã Bản Lầu, đến nay đã lây lan ra 41 xã của tất cả các huyện, thành phố; tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 253 tấn. Ở tất cả các xã có dịch hiện đã thành lập các chốt kiểm dịch. Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh được xác định là do người dân vận chuyển lợn giống nhiễm bệnh từ các tỉnh miền xuôi về nuôi; tận dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt làm thức ăn chăn nuôi, sử dụng cám ăn thẳng không rõ nguồn gốc; thiếu kiểm soát việc vận chuyển lợn từ địa phương có dịch đến các địa phương chưa có dịch.
Tỉnh và Trung ương đã có 50 văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trước và khi dịch bùng phát, tỉnh đã cấp gần 12.000 lít hóa chất, phát hơn 600 tấn vôi bột để nông dân tích cực phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, mới có huyện Bảo Thắng triển khai được hai đợt hỗ trợ nông dân bị thiệt hại, các địa phương khác đang hoàn tất hồ sơ để kịp thời hỗ trợ nông dân.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh và có nguy cơ cao xâm nhiễm vào các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn, vì thế, cần phải huy động cả hệ thống chính trị, các cấp và người chăn nuôi vào cuộc, triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh; thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh rắc vôi bột, khử trùng tiêu độc; tạm thời dừng việc tái đàn lợn trong thời gian có dịch; tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý sớm, kịp thời các ổ dịch, đặc biệt là việc chôn lấp tiêu hủy lợn mắc bệnh; xử lý triệt để chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; thức ăn thừa, cám công nghiệp của các hộ có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Về lâu dài cần điều chỉnh, khuyến khích chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, tập trung đảm bảo an toàn sinh học, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún.
Ngọc Hà – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết