Laocaitv.vn - Một trong những khó khăn lớn nhất ở những địa bàn được xem là lõi nghèo của tỉnh, đó chính là những hạn chế trong tư duy, nhận thức của đồng bào. Bởi vậy, việc tuyên truyền, tư vấn giới thiệu để người lao động yên tâm đi làm tại các cơ sở kinh tế trong và ngoài tỉnh, gia tăng thu nhập cũng không hề đơn giản. Ghi nhận tại xã Pa Cheo, huyện Bát Xát.
Ngôi nhà mới khang trang của gia đình chị Lý Thị Chú.
Gia đình chị Lý Thị Chú là một trong số ít hộ ở thôn Tả Pa Cheo xây được nhà ở cấp 4 vững chắc. Bởi hầu hết các hộ trong thôn chỉ trông vào nguồn thu từ một vụ lúa, ngô. Trong khi đất sản xuất lại không nhiều. "Chồng chị đi làm ở Nhà máy đồng ngoài kia được hai năm rồi. Tiền mang về cũng giúp chị làm được cái nhà này rồi. Không đi làm ngoài kia thì chắc không có tiền để làm nhà", chị Lý Thị Chú, thôn Tả Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát bày tỏ.
Chứng kiến điều kiện sống khấm khá hơn của những hộ có người đi làm ăn ở các công ty, doanh nghiệp, anh Sùng A Ký đã quyết định tìm kiếm công việc để có thu nhập ổn định tại một cơ sở sản xuất nào đó. "Em cũng muốn đi tìm hiểu các công việc ngoài kia. Kiểu như các công ty hay doanh nghiệp gì đó để em có công việc ổn định, sau này có lương tháng ổn định để về giúp cho gia đình", anh Sùng A Ký, thôn Tả Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát cho hay.
Chính quyền địa phương nỗ lực kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Pa Cheo có 628 hộ, nhưng mới chỉ có 17 người đi lao động ở các doanh nghiệp. Cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, nhất là lao động trẻ, địa phương đang tích cực phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp đào tạo, tuyển dụng lao động. "Chúng tôi cũng đã kết nối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cũng như Phòng Lao động để tư vấn cho thanh niên. Để các lao động ở Pa Cheo tiếp tục đi ra ngoài lao động, chắc chắn sẽ mở mang tầm nhìn ngoài xã hội, cũng như học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác", ông Lý A Khoa, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo, huyện Bát Xát nói.
Hiện có tới 45% học sinh tốt nghiệp THCS ở Pa Cheo nghỉ học. Theo tập quán lao động xưa cũ, những trường hợp này sẽ ngại thoát ly dù được các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng. Đây cũng là thực trạng khá phổ biến ở một số địa bàn vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh. Bởi vậy, giải pháp căn cốt vẫn là phải tăng cường phân luồng, định hướng ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường THCS.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết