Laocaitv.vn - Trong công tác giáo dục, một trong những lĩnh vực quan trọng là tư vấn tâm lý học đường. Học sinh đến trường, không chỉ được trang bị về kiến thức, kỹ năng sống mà sức khỏe tinh thần cũng được quan tâm, nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện cho các em.
Em Giàng An Bình, học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Lào Cai, sau khi trải qua kỳ thi chuyển cấp đã phải đối diện với nhiều thay đổi. Môi trường mới, bạn mới, thầy, cô giáo mới và phương pháp học tập khác biệt đã tạo ra áp lực tâm lý cho Bình. Nhận thấy vấn đề, Bình quyết định tìm đến phòng tư vấn tâm lý của trường để được hỗ trợ. “Lượng kiến thức ở cấp THPT khác nhiều so với cấp THCS, khi mới chuyển cấp em cảm thấy khá áp lực vì chưa quen với cách học mới”, An Bình chia sẻ.
Tư vấn tâm lý cho các em học sinh cuối cấp.
Thầy giáo Vương Văn Vũ, Bí thư Đoàn Trường THPT Chuyên Lào Cai cho biết: “Chúng tôi đã thành lập Ban Tư vấn tâm lý học đường với phòng tư vấn riêng, nơi học sinh có thể đến trao đổi và giải tỏa áp lực. Thầy cô luôn lắng nghe và hỗ trợ các em ổn định tâm lý trong suốt quá trình học tập”.
Còn tại trường THCS Quang Kim, huyện Bát Xát, nhà trường cũng đặc biệt chú trọng đến việc chăm sóc tâm lý và tư tưởng cho học sinh. Thấu hiểu tuổi vị thành niên là giai đoạn nhiều thay đổi về tâm, sinh lý, nhà trường đã chủ động triển khai các chương trình, hoạt động ngoại khóa tạo cơ hội để các em chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.
Động viên học sinh cố gắng trong học tập.
Em Trần Thị Huyền Trang, lớp 9A3, Trường THCS Quang Kim, huyện Bát Xát bày tỏ: “Khi cảm thấy áp lực và lo lắng, em luôn chủ động tìm đến thầy cô để hỏi những vấn đề tâm lý. Các thầy cô luôn sẵn sàng nói chuyện, động viên, giúp em ổn định tinh thần và học tập tốt hơn”.
Kết quả khảo sát cho thấy, 38% học sinh bậc THCS và THPT đôi khi gặp khó khăn về tâm lý; trên 35% gặp khó khăn trong học tập và gần 25% gặp các vấn đề về mối quan hệ như tình bạn, tình yêu hay gia đình. Điều này cho thấy, việc quan tâm, trò chuyện và nắm bắt tâm lý của học sinh là vô cùng cần thiết.
Chuyên gia tâm lý Đới Thị Thu Thủy, giảng viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai nhấn mạnh: “Đối với mỗi lứa tuổi, sẽ có những thay đổi tâm lý khác nhau, nên việc tác động cần phải khéo léo và đồng cảm, để các em dễ dàng tiếp nhận sự động viên và tư vấn từ nhà trường cũng như gia đình”.
Tuổi vị thành niên luôn có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 403 cơ sở giáo dục công lập có phòng tư vấn tâm lý (chiếm gần 98%), trong đó 138 trường có phòng tư vấn độc lập. Tư vấn tâm lý học đường không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh và hạnh phúc, đảm bảo sự phát triển toàn diện về cả trí tuệ lẫn tinh thần.
Linh Thảo – Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết