Ước vọng từ những nét chữ khai bút đầu xuân

15:34 13-02-2021 | :809

 

Nghe audio tại đây: 

Laocaitv.vn - Khai bút đầu xuân là tập tục lâu đời của người Việt trong dịp Tết cổ truyền. Người Việt vốn đề cao sự học, đạo lễ, vì thế tục xin chữ đầu năm cũng được nhân dân ta duy trì cho tới tận ngày nay.

Tại gian hàng của ông đồ Nguyễn Công Thuần ở đền Thượng, thành phố Lào Cai, trong tiết trời se lạnh đầu xuân, nét mực Tàu đen nhánh trên nền giấy đỏ mang lại cảm xúc thật đặc biệt. Đầu năm, mọi người thường xin chữ "Chí" để thể hiện ý chí kiên cường; xin chữ "Nhẫn" để nhắc nhở phải kiên trì, nhẫn nại trong mọi việc; người ta xin chữ "Hiếu" để bày tỏ lòng hiếu thảo biết ơn đến ông bà, cha mẹ… Những lời chúc tốt lành trong năm mới cũng được thể hiện qua nét chữ thư pháp, bày tỏ những ước mơ cho gia đình, bản thân trong năm mới.

Nghệ nhân viết chữ thư pháp Nguyễn Công Thuần chia sẻ: “Từ giao thừa đến giờ, tôi cho chữ bình an là nhiều nhất. Đó cũng là lời cầu nguyện đầu xuân năm mới mọi người được bình an, hạnh phúc, gia đạo hăng hái. Năm nay có rất nhiều biến động, dịch bệnh phức tạp, nhưng nét đẹp khai bút vẫn được mọi người gìn giữ”.

Tục xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt trong dịp Tết cổ truyền.

Khai bút đầu xuân không phải nghi lễ bắt buộc thực hiện trong ngày Tết. Nhưng từ lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc trong năm mới; đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa và đề cao sự học. Chính vì vậy, ngày này nhiều gia đình giáo dục con em mình giữ gìn mỹ tục khai bút đầu năm để hướng về cội nguồn, truyền thống và cầu chúc một năm mới học hành tấn tới, gặp nhiều may mắn. 

Được mẹ đưa đi lễ đầu năm, em Trần Vũ Quỳnh Anh háo hức xin thầy chữ “Tài”, với mong muốn năm mới học hành tấn tới. Quỳnh Anh phấn khởi chia sẻ: “Bố mẹ vẫn luôn chúc con học thật giỏi, khỏe mạnh và xinh đẹp. Nên hôm nay con xin chữ Tài để mong muốn mình học thật giỏi và thi đỗ. Xin được chữ này con cảm thấy rất vui”.

Còn chị Nguyễn Thùy Trang, ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương lại mong ước sự đoàn tụ, sum họp của một cái Tết đoàn viên. Ước nguyện ấy được gói gọn trong chữ “Sum vầy” mà chị xin ngày đầu năm mới. Chị Trang chia sẻ: “Hằng năm, gia đình tôi vẫn đi xin chữ như một truyền thống. Năm nay tôi định xin chữ Sum vầy, để cho gia đình quây quần bên nhau. Đó cũng là truyền thống mà gia đình muốn lưu lại và truyền cho con cháu sau này”.

Xin chữ đầu năm là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên người dân đi lễ đền ít hơn. Những người đi lễ cũng luôn nâng cao ý thức phòng chống dịch cho bản thân, như đeo khẩu trang, khẩn trương chiêm bái, lễ đền, xin chữ…

Nhiều người còn chủ động gọi điện cho ông đồ để đặt xin chữ trước, khi ra lễ chỉ việc xin về, tránh thời gian ở lại nơi đông người. Nhiều người lại đặt chữ qua online. Cho nên, ngoài việc chuẩn bị giấy mực sẵn sàng để phục vụ khách hàng đến tận nơi xin chữ, nhiều bức thư pháp hoàn chỉnh, phong phú về kiểu dáng, mẫu mã cũng được trưng bày để du khách lựa chọn.

Thời điểm để chọn khai bút đầu năm thường là sau giao thừa cho đến trước lúc đi làm, đi học trở lại. Đây là quãng thời gian Tết, được nghỉ ngơi tĩnh trí, cũng là khoảng thời gian để mọi người cùng ước nguyện cho cuộc sống của năm mới bình an, đắc tài đắc lộc. Ngày nay, trong khi nhiều nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết đang dần bị mai một, thì tục xin chữ, khai bút đầu năm vẫn được nhiều người, nhiều thế hệ ra sức giữ gìn. Nét đẹp khai bút đầu xuân không chỉ nhân lên những hy vọng, mơ ước năm mới sẽ đến với thật nhiều may mắn, tốt lành mà còn tạo không khí vui vẻ, nhộn nhịp của ngày đầu xuân.

Thu Hường


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết