"Vaccine là then chốt và khẩu trang là cần thiết dù F0 giảm mạnh"

09:33 07-05-2022 | :347

Laocaitv.vn - Theo các chuyên gia, hiện nay số ca mắc liên tiếp giảm mạnh, dịch đã được kiểm soát tốt. Điều quan trọng là người dân cần nâng cao ý thức dự phòng cá nhân; trong đó khẩu trang và sát khuẩn vẫn là yếu tố then chốt.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 5/5 đến 16h ngày 6/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.819 ca nhiễm mới (giảm 486 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 2.706 ca trong cộng đồng).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.696 ca/ngày. Số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca/ngày.

Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tiếp giảm mạnh. Ảnh minh họa

Tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong giảm mạnh

Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục cho thấy chiều hướng tích cực khi số ca mắc, bệnh nhân diễn biến nặng và người tử vong giảm mạnh. Từ gần 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, hiện nay con số này đã xuống dưới 5.000 ca/ngày, nhiều tỉnh thành phố đang giảm dần số ca mắc mới. Riêng tại Hà Nội, là địa phương có số mắc dẫn đầu cả nước, cũng đã qua giai đoạn cao điểm của dịch với số ca mắc liên tục giảm nhanh từ trên 30.000 ca/ngày xuống chỉ còn gần 700 ca/ngày (cập nhật số ca mắc tại Hà Nội chiều 6/5 là 673 ca).

Hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng, tỷ lệ tử vong giảm rõ rệt. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca/ngày và có ngày đã không ghi nhận ca tử vong nào.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vaccine cao, đa số người dân đã được tiêm đủ 2 mũi và mũi nhắc lại.

Cụ thể, tính đến 14h ngày 6/5, thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho thấy, cả nước đã tiêm gần 215,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại.

Tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 vaccine phòng COVID-19 của người trên 18 tuổi ở nước ta hiện là 100%; mũi 3 là 57,5%; tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12- 17 tuổi lần lượt là 100% và 96,4%; tỷ lệ bao phủ mũi 1 của trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là 13,7%.

Trong bối cảnh mới, việc thích ứng với dịch COVID-19 đã “cởi mở” hơn, nhiều hoạt động được khôi phục trở lại như: Việc mở cửa lại hoạt động du lịch ở cả đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới; cho phép hàng quán hoạt động đến sau 21 giờ đêm; các cơ quan, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, cho học sinh trở lại trường học…

Các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực trong hoạt động phòng chống dịch Covid-19 cũng như trong công tác tiêm chủng của các cấp, chính quyền, địa phương và người dân. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tỷ lệ bao phủ vaccine diện rộng, tỷ lệ người dân có miễn dịch tăng cao, số ca mắc giảm rõ rệt, do đó đến nay dịch Covid-19 đã dần ổn định, kiểm soát tốt. Đây là thành công của cả hệ thống chính quyền, hệ thống y tế và ý thức của người dân trong việc nhận thức bệnh Covid-19.

PGS Nga cũng cho rằng, thời điểm này, các nội dung trong khuyến cáo 5K cần linh hoạt, chủ yếu duy trì biện pháp đeo khẩu trang và khử khuẩn. Trong đó, cũng cần phân biệt nguyên tắc nào là ưu tiên và nguyên tắc nào là hỗ trợ cho nhau và thực hiện tối đa có thể được tùy theo công việc, hoạt động...

"Tuy nhiên, những đối tượng như người già chưa tiêm vaccine, người già có bệnh nền, trẻ em, người chưa mắc bệnh có bệnh nền… vẫn nên được khuyến cáo hạn chế tụ tập vì những đối tượng này, khi bị lây thì bệnh có thể diễn biến nặng”- ông Nga nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, về các biện pháp phòng dịch hiện nay, quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng vệ cá nhân, trong đó: Khẩu trang, sát khuẩn là quan trọng nhất.

Duy trì thói quen phòng dịch

Theo các chuyên gia, với bất kỳ chủng nào, virus SARS-CoV-2 vẫn có cơ chế lây lan theo đường hô hấp qua việc phát tán giọt bắn chứa virus; nguy cơ lây nhiễm cao trong các trường hợp tiếp xúc gần, trong môi trường kín, tập trung đông người; vì vậy ý thức dự phòng cá nhân có thể giúp việc giảm lây nhiễm.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhận định, thực tế cho thấy, hiệu quả bảo vệ của vaccine, kể cả miễn dịch sau mắc COVID-19 là ngắn, chỉ từ 3- 6 tháng; thậm chí những người đã tiêm vaccine rồi vẫn có thể mắc và lây nhiễm cho người khác, người đã mắc rồi vẫn có thể mắc chủng khác… Tuy nhiên, phần lớn người nhiễm hiện nay thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Trong bối cảnh mở cửa các hoạt động như hiện nay, quan trọng nhất là người dân cần nâng cao ý thức dự phòng cá nhân; trong đó khẩu trang và sát khuẩn vẫn là yếu tố then chốt.

BS Trần Huyền Trang, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, dịch hiện được kiểm soát tốt, song vẫn còn xuất hiện ca mắc mới và có trường hợp phải nhập viện dù tiêm đủ 2-3 mũi vaccine. Vaccine giúp giảm tình trạng bệnh nặng chứ không giúp người dân hoàn toàn tránh bị mắc COVID-19. Do đó, người dân vẫn cần cẩn trọng, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch để giữ được diễn biến dịch như hiện nay và tránh dịch bệnh bùng phát trở lại.

“Vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm các ca bệnh nặng. Điều mình thấy rõ nhất là khi Hà Nội ở đỉnh dịch, người dân đã gần như được phủ 2 mũi vaccine do vậy tỷ lệ  tử vong rất thấp. Với các trường hợp tiêm đủ 2-3 mũi vaccine, người bệnh khi mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ đi rất nhiều. Các bệnh nhân trẻ hầu như không có triệu chứng nặng. Nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền hoặc mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như ung thư cũng diễn biến nhẹ hơn rất nhiều so với trước đây khi chưa tiêm vaccine”- BS Trần Huyền Trang cho biết.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, người dân đã có thói quen phòng chống dịch bệnh thì cũng phải duy trì tinh thần chống dịch, đề phòng có biến chủng mới hoặc dịch bệnh khác. Đặc biệt là duy trì đeo khẩu trang ở những nơi cần thiết, theo dõi những diễn biến tình hình dịch./.


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết