Vi phạm pháp luật vì săn bắt, nuôi, nhốt động vật hoang dã

18:39 29-10-2024 | :194

Laocaitv.vn - Hành vi săn bắt, nuôi, nhốt, mua bán trái phép động vật hoang dã thuộc nhóm quý hiếm là hành vi vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây, tình trạng này vẫn diễn ra tại các địa phương trong tỉnh. Điều đáng tiếc là nhiều người vì thiếu hiểu biết đã vô tình phạm tội khi thực hiện hành vi săn bắt, nuôi, nhốt, mua bán trái phép động vật hoang dã.

 

Tháng 9/2024, đối tượng Hoàng Văn Hùng ở xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên bị khởi tố vì nuôi nhốt cá thể culi – một loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trước đó, ngày 17/01/2024, Tòa án nhân dân huyện Bảo Thắng đã mở phiên xét xử sơ thẩm công khai đối với bị cáo Triệu A Phấy,  trú tại thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà với tội danh "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo điểm a, khoản 1, Điều 244 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Triệu A Phấy được hưởng án treo 18 tháng.

"Tôi chặt quế thấy con culi rơi xuống, tưởng là bình thường nên mang đi bán. Đến khi bị bắt mới biết đó là loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam", đối tượng Triệu A Phấy cho biết.


"Người dân ở đây chỉ gọi nó là "khỉ gió", không biết là động vật quý hiếm. Sau khi ông Phấy bị bắt, bà con mới hiểu rõ hơn và không ai dám bắt nữa", Ông Bàn A Ton, thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà cho biết thêm.

Vật chứng vi phạm quy định bảo vệ động vật

Tình trạng săn bắt động vật hoang dã, quý hiếm tác động tiêu cực đến sự cân bằng hệ sinh thái, làm suy giảm đa dạng sinh học; vi phạm quy định về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Việc thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân trong việc bảo vệ động vật hoang dã đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và xã hội. 

Ông Đặng A Chỉ, Trưởng thôn Nậm Đét cho biết: "Trước đây bà con không rõ loài nào là quý hiếm, cứ thấy là bắt. Sau vụ của ông Phấy, trong các buổi họp thôn, tôi luôn nhắc bà con về vấn đề này để nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã".

Chăm sóc động vật hoang dã tại Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên sau vụ bắt giữ

Theo thống kê từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2022 đến nay, Lào Cai ghi nhận 10 vụ vi phạm liên quan đến động vật rừng với các hành vi chủ yếu là vận chuyển, tàng trữ và buôn bán trái phép. Có 62 cá thể động vật bị ảnh hưởng, bao gồm các loài chim hoang dã, cầy vòi mốc, culi nhỏ và khỉ mặt đỏ; xử phạt hành chính 8 vụ với tổng số tiền 62 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về động vật quý hiếm".

Phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định bảo vệ động vật quý hiếm tại huyện Bảo Thắng

Theo điều 244, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái vì sự phát triển bền vững cho thế hệ tương lai. 

Ngọc Diệp


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết