Vượt lên nỗi đau da cam

20:17 10-08-2019 | :503

Laocaitv.vn - Chất độc hoá học dioxin rải xuống Việt Nam trong chiến tranh đã gieo rắc nỗi đau cho biết bao gia đình. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tại tỉnh biên giới Lào Cai, vẫn còn hàng nghìn người là nạn nhân của thứ chất độc này, và hàng trăm gia đình vẫn đang xót xa với những đứa con, đứa cháu tật nguyền. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chia sẻ của cộng đồng là động lực mạnh mẽ giúp những nạn nhân da cam vượt qua số phận, tiếp tục có điều kiện cống hiến cho quê hương, đất nước.

Ông Hà Kim Dinh bên mô hình kinh tế của gia đình.

Một trang trại nhỏ trên đỉnh núi với đàn trâu bò hơn 20 con, hàng trăm con gà, vườn cây, ao cá. Đó là thành quả sau nhiều năm nỗ lực cố gắng của ông Hà Kim Dinh, nạn nhân chất độc da cam tại thôn Mạc, xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn. Mang trong mình những di chứng của chiến tranh, người lính năm xưa đã quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, mang màu xanh phủ kín những vạt đồi trống của quê hương. Trang trại của gia đình ông Dinh đã được công nhận là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Ông Hà Kim Dinh, thôn Mạc, xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Từ những khó khăn trước đây nên tôi luôn trăn trở để nghĩ ra hướng phát triển kinh tế, vì không xây dựng được mô hình, không làm được trang trại thì cuộc sống không thể khá lên, trồng lúa chỉ đủ ăn, dư dật thì khó lắm. Đến bây giờ, đời sống của tôi cũng đỡ rồi, cố gắng phấn đấu làm giàu thôi. Ngoài chăn nuôi, hiện nay tôi cũng trồng thêm được 7 ha rừng nữa".

Vượt lên nỗi đau da cam, quyết tâm thắng đói nghèo.

Trên mảnh đất Văn Bàn, vẫn còn nhiều những hoàn cảnh như ông Dinh, những người đã cống hiến năm tháng thanh xuân cho đất nước, và khi trở về, mang trong mình những di chứng của chiến tranh. Ông Phan Công Thương ở thị trấn Khánh Yên trở về quê hương sau hơn 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã không may bị nhiễm chất độc hóa học trong cơ thể. Bằng quyết tâm vượt khó, ông Thương đã thử nhiều hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới, làm giàu ngay trên chính mảnh đất của gia đình mình. Ông Phan Công Thương, thôn Mạ, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn cho biết: "Tôi bàn với gia đình phải trồng rừng, kết hợp với trồng ngô, trồng sắn để chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài. Tôi lại được ngân hàng cho làm tổ trưởng tổ vay vốn tại địa phương, nên tôi vay vốn để mua trâu, mua bò, nuôi lợn, nuôi gà... Tôi cũng mới bán được 4 con trâu để hỗ trợ các con mua xe,  máy xay xát để có cái nghề phát triển lâu dài".

Quan tâm, chia sẻ những khó khăn với người có công.

Trên địa bàn huyện Văn Bàn, hiện có 200 người bị nhiễm chất độc hóa học và gần 100 trường hợp con cái họ bị di chứng. Với tinh thần “Cùng một nỗi đau, cùng một tấm lòng”, trong những năm qua, các ban, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương đã quan tâm thực hiện đảm bảo chế độ, quyền lợi cho các đối tượng chính sách thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Ông Nguyễn Văn Bàn, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Bàn cho biết: "Hiện, chúng tôi đã rà soát nguyện vọng của người có công, có phương án hỗ trợ để đảm bảo đời sống của các trường hợp sẽ cao hơn hoặc ít nhất là bằng mức sống của người dân, xem xét các nguyện vọng nhất là làm nhà ở, hỗ trợ giải quyết việc làm để tham mưu đề xuất với UBND huyện sớm có phương án giải quyết kịp thời".

Đã gần 60 năm trôi qua kể từ ngày Mỹ rải chất độc đầu tiên xuống Việt Nam, nhưng di chứng của nó vẫn đang ám ảnh tương lai của bao thế hệ. Với những nạn nhân chất độc da cam, nỗi đau thể xác và tinh thần sẽ đi theo họ đến hết cuộc đời. Nhưng vượt lên trên nỗi đau ấy, vẫn là tinh thần lạc quan, yêu đời, là khát vọng cống hiến cho sự bình yên, giàu đẹp của quê hương.

Thu Hường – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết