Laocaitv.vn - Lượng rác thải nhựa ngày càng nhiều, tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn. Tái chế rác thải để sáng tạo nên những vật dụng độc đáo, hữu ích trong cuộc sống là giải pháp nhằm giảm rác thải nhựa. Trong các nhà trường, ý tưởng xanh từ tái chế rác mang đến cho học sinh những bài học ý nghĩa về bảo vệ môi trường sống.
Những vận dụng đã qua sử dụng được các cô giáo mầm non chế tạo thành những đồ dùng dễ thương.
Vỏ lon, vỏ hộp sữa, ống hút đã sử dụng... qua đôi bàn tay khéo léo các cô giáo mầm non, những rác thải nhựa này đã trở thành những vật dụng dễ thương và có ý nghĩa. Không tốn kém, những giáo cụ đặc biệt này góp phần tăng hiệu quả giảng dạy, nhất là tại những địa bàn khó khăn. Cô giáo Lê Thị Vân Anh, Trường Mầm non Hoa Ban, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng cho biết: “Chúng tôi tận dụng lại hết những đồ dùng đồ chơi cũ, dễ kiếm, dễ tìm, đặc biệt là các vật liệu phế thải để tạo ra các đồ dùng dạy học. Các con rất thích, chơi mãi không muốn rời.”
Còn đây cũng là một sản phẩm sáng tạo từ rác tái chế: Sân chơi với trò bập bênh, đường đua, xà đơn, xà kép, thư viện… được thu nhỏ trong mô hình có tên gọi “Khu vườn hạnh phúc”. Ước mơ của các em về những sân chơi hấp dẫn và lý thú được bắt đầu bằng những ý tưởng giản dị như thế. Em Ma Thị Yến Nhi, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Mòn, huyện Bắc Hà nói: “Chúng em mong muốn những sân chơi này sẽ được hiện thực hóa ở nơi chúng em đang sinh sống để các bạn nhỏ sẽ có được những sân chơi bổ ích trong mùa hè và sau những giờ học căng thẳng.”
Ngay từ cấp học đầu tiên, học sinh đã được giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.
Mong muốn bảo vệ môi trường sống, kết hợp với sự sáng tạo đã cho ra đời những sản phẩm từ rác thải tái chế mang nhiều ý nghĩa trong môi trường giáo dục: Một thư viện xanh, một sân chơi nhỏ, những mô hình học tập trực quan, hay cả một điểm trường khang trang làm hoàn toàn bằng vật liệu tái chế. Trong môi trường thân thiện ấy, ngay từ cấp học đầu tiên, học sinh đã được giáo dục ý thức bảo vệ môi trường một cách tự nhiên mà hiệu quả. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Trường Mầm non xã Cao Sơn, huyện Mường Khương cho biết: “Trong học tập, chúng tôi cũng giáo dục các con không vứt rác bừa bãi, có thể tái sử dụng vật liệu nhựa. Các con khi uống hộp sữa, cũng không vứt đi, mà mang đến để các cô giáo làm thành các đồ chơi trên lớp.”
Hàng loạt những chương trình hoạt động ý nghĩa, như “đổi rác lấy cây xanh”, “Hành trình thứ 2 của lốp xe”... được tổ chức tại nhiều địa bàn đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh, thanh niên. Những đồ vật cũ, bỏ đi một lần nữa được hồi sinh, kiến tạo môi trường học tập, vui chơi năng động, bổ ích cho trẻ em vùng khó. Nhân lên những ý tưởng xanh từ tái chế rác, các bài học về bảo vệ môi trường rất giản đơn, mà thiết thực
Thu Hường – Tuấn Nam – Xuân Anh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết