26,5% công nhân vẫn phải sống kham khổ

09:28 13-07-2018 | :395

Laocaitv.vn - Với mức thu nhập như hiện nay, vẫn còn 26,5% công nhân phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% có thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.

PGS,TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết đã thông báo kết quả trên tại Hội nghị Công bố kết quả khảo sát thực tế về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu, đời sống của người lao động (NLĐ) và thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng trong các doanh nghiệp (DN) năm 2018 diễn ra tại Hà Nội, chiều 12-7.

\

Quang cảnh hội nghị

Đây là kết quả khảo sát thực tế do Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp Ban Quan hệ Lao động thực hiện với 3.000 phiếu hỏi phát ra tại 150 doanh nghiệp ở 25 tỉnh, thành phố, ngành T.Ư có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình DN, vùng miền trên cả nước.

Thu nhập chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu

Theo kết quả khảo sát, tổng thu nhập của một NLĐ hiện nay khoảng 5,53 triệu đồng/tháng, chỉ có 13,1% NLĐ có thu nhập hơn sáu triệu đồng/tháng. Do vậy muốn có thêm thu nhập NLĐ mong muốn được đi làm tăng ca, thêm giờ. Ông Vũ Quang Thọ cho biết, trong quá trình khảo sát, nhiều công nhân chia sẻ, nếu không cho họ tăng ca, sẽ có hai kịch bản xảy ra, một là đình công, hai là chuyển sang DN có tăng ca.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn LTT 39,8%. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ. Tuy nhiên những khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ).

Ông Thọ cho rằng, như vậy, cộng tất cả các khoản, tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản 18,4%). Thực tế, tổng thu nhập của NLĐ có tăng hơn 1,4% so kết quả khảo sát năm 2017, trong đó, tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của NLĐ. Tuy nhiên, với mức thu nhập đó, NLĐ và gia đình họ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.

Qua khảo sát, với thu nhập và chi tiêu hiện nay, có 32,1% NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ, Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con em. So sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, kết quả cho thấy chỉ có 17,4% NLĐ cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5 % phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.

So với năm 2017, tỉ lệ NLĐ cho biết thu nhập so chi tiêu "có dư dật, tích lũy" tăng 1,3%; số NLĐ gặp khó khăn "không đủ sống, phải làm thêm giờ" chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ NLĐ "vừa đủ trang trải cho cuộc sống" giảm 7,6%; tỉ lệ NLĐ phải chi tiêu "tằn tiện, kham khổ" tăng lên 5,8%. Nhưng nhìn chung, phần lớn NLĐ dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống.

Khi tìm hiểu về thái độ của NLĐ, những khó khăn, bức xúc liên quan đến tình hình việc làm, tiền lương và thu nhập tại doanh nghiệp, kết quả khảo sát cũng chỉ ra những bức xúc chủ yếu như: 25,7% bức xúc vì lương thấp, không có thêm phụ cấp, chỉ có 5,3% bức xúc khi phải làm thêm giờ, tăng ca nhiều, 7% bức xúc vì trả lương không đúng với sức lao động đã bỏ ra. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn còn xảy ra.

Theo số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tháng đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc đình công, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6 %; ngành giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; ngành điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%.

Đề xuất tăng lương tối thiểu 2019 là 8%

Căn cứ kết quả khảo sát, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất Hội đồng Tiền lương quốc gia về phương án tiền lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2019 với mức tăng tối thiểu là 8% (tăng từ 220-330 nghìn đồng). Trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Ngọ Duy Hiểu cho rằng, có nhiều căn cứ để Tổng LĐLĐ đề xuất con số này.

Theo tính toán của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nếu được tăng lương tối thiểu lên 8%, sẽ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu. Điều 91 Bộ luật Lao động nêu rõ: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”.

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN, xác định: “Thực hiện điều chỉnh tăng mức LTTV phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”.

Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 phát triển thuận lợi, mức tăng trưởng tốt, đạt và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Cụ thể, GDP quý I/2018 tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2017, được đánh giá cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây; dự báo GDP cả năm đạt 6,7%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; dự báo năm 2018 tăng khoảng 4%.

Tính chung năm tháng đầu năm 2018, cả nước có 52.322 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 516.900 tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, có 13.267 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm tháng đầu năm nay lên gần 65.600. NLĐ là lực lượng chính làm ra của cải cho DN, góp phần quan trọng trong tạo ra của cải vật chất cho DN và đất nước, vì vậy NLĐ xứng đáng được hưởng một phần thành quả mà họ đã làm ra.

Theo Báo Nhân dân điện tử


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết