Ba gương mặt người đẹp nổi tiếng vùng núi Lào Cai

10:35 20-10-2017 | :2799

Từ năm 2016 đến nay trên các tờ báo nổi tiếng của Việt Nam xuất hiện nhiều bài viết về những người đẹp làm rạng danh cho vùng núi Lào Cai, đó là: ca sỹ trẻ Sền Hoàng Mỹ Lam, Quán quân dòng nhạc dân gian Giải Sao Mai 2017 của VTV; nữ sinh Nguyễn Lê Hoài Anh, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai được nhận học bổng toàn toàn phần 6,5 tỷ đồng Việt Nam của trường đại học Stanford danh tiếng của Mỹ; nữ sinh Chảo Thị Yến người Dao đầu tiên của Lào Cai được vào học tại một trường đại học danh giá của Cộng hòa liên bang Đức với học bổng 1,2 tỷ đồng Việt Nam...

Nhân kỷ niệm ngày truyền thống phụ nữ Việt Nam (20/10) xin trân trọng giới thiệu đôi nét về 3 người đẹp nổi tiếng này ở vùng núi Lào Cai.

1. Ca sỹ Sền Hoàng Mỹ Lam, sinh năm 1993, người dân tộc Nùng, quê ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) đoạt giải Nhất - Quán quân dòng nhạc dân gian vòng chung kết Giải Sao Mai do VTV tổ chức với ca khúc "Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên" của cố nhạc sỹ Ngọc Quang (nguyên Trưởng đoàn ca múa nhạc tỉnh Lào Cai).

Sền Hoàng Mỹ Lam biểu diễn ca khúc "Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên" của cố nhạc sỹ Ngọc Quang trong đêm chung kết giải Sao Mai 2017. Ảnh: VTV

Ca sỹ trẻ Sền Hoàng Mỹ Lam được xem là một trong những gương mặt khả ái nhất của mùa giải Sao Mai năm nay của Đài truyền hình Việt Nam, cùng giọng hát tươi sáng, trong veo, thánh thót và mỗi khi xuất hiện, sân khấu luôn dường như sáng bừng theo tiếng hát của cô. Rất nhanh chóng, ca sỹ Sền Hoàng Mỹ Lam được ví von như họa mi của dòng nhạc dân gian.

Lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam trao giải thưởng cho các Quán quân dự thi Giải Sao Mai 2017, trong đó Giải nhất  dòng nhạc dân gian cho ca sỹ Sền Hoàng Mỹ Lam (người đứng giữa ảnh). Ảnh: VTV

Ngoài các phần thưởng lớn của Ban tổ chức giải Sao Mai 2017 trao tặng, ca sỹ trẻ Sền Hoàng Mỹ Lam còn được trao giải thưởng "Ngôi sao hy vọng" của Hội nhạc sỹ Việt Nam, phần thưởng của Ban truyền hình tiếng dân tộc - Đài truyền hình Việt Nam, đặc biệt giám đốc Đoàn ca múa nhạc Trung ương chính thức tiếp nhận cô về công tác tại đoàn. 

2. Nữ sinh trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai Nguyễn Lê Hoài Anh, (sinh năm 1998) vinh dự được nhận học bổng toàn phần 280.000 USD  trong 4 năm tương đương 6,5 tỷ đồng Việt Nam từ Trường ÐH Stanford (Mỹ).

Nữ sinh Nguyễn Lê Hoài Anh. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng.

 

Nguyễn Lê Hoài Anh còn là một trong 5 đại diện Việt Nam tham dự Chương trình Thủ lĩnh Thanh niên Ðông Nam Á - Southest Asia Youth Leadership Program (SEAYLP), tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ðại học Northern Illinois vào năm 2015. Năm 2017 Nguyễn Lê Hoài Anh có vinh dự được chọn là đại biểu chính thức của tỉnh Lào Cai đi dự Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và trước đó em còn được Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai gửi thư khen và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập cùng các hoạt động xã hội hữu ích cho cộng đồng tuổi trẻ.

 

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai trao Thư khen của Bí thư Tỉnh ủy và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho nữ sinh Nguyễn Lê Hoài Anh. Ảnh Báo Lào Cai.

3. Nữ sinh Chảo Thị Yến (sinh năm 1990) người dân tộc Dao đầu tiên ở xã biên giới Nậm Chạc, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp và cô đã tự học, tự rèn để có trình độ tiếng Anh khá thành thạo và qua đó cô đã vượt qua nhiều thí sinh quốc tế đăng ký xin vào học và cô có vinh dự là 1 trong 2 người Việt Nam đã trúng tuyển học thạc sỹ năm 2017 với học bổng trị giá 47.000 euro (khoảng 50.000 USD) của trường Đại học nổi tiếng Gottingen (Cộng hoà bang Đức).

Nữ sinh Chảo Thị Yến. Ảnh Fb

Trả lời báo chí Chảo Thị Yến cho biết học xong lớp 9 em phải ở nhà mất 3 năm rồi mới thuyết phục được bố mẹ cho đi học cấp 3. Ước mơ thi đại học khối C để trở thành cô giáo của cô gái người Dao thay đổi khi em chứng kiến trận lũ lịch sử năm 2008.

Ký ức khủng khiếp về trận lũ cuốn trôi cả một làng bản và tàn phá ruộng nương khiến Chảo Thị Yến quyết tâm chuyển thi từ khối C sang khối A với mong muốn vào trường Đại học Lâm nghiệp sau này về quê hương làm kiểm lâm bảo vệ rừng.

Từ những chán nản, muốn bỏ cuộc năm đầu đại học do không biết ngoại ngữ, Yến quyết tâm học tiếng Anh. Từ một sinh viên có điểm dưới trung bình, Yến đã vươn lên trở thành một sinh viên xuất sắc của lớp.

Chảo Thị Yến trong ngày lên đường sang Đức du học. Ảnh Fb

Sau khi tốt nghiệp ra trường nhờ vốn tiếng Anh tốt, Chảo Thị Yến được nhận vào làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty dịch vụ cáp treo Fansipan (Sa Pa) và một bước ngoặt mới mở ra cho ước mơ bảo vệ rừng quê hương của Yến khi cô chính thức nhận được học bổng của chương trình SUFONAMA để theo học thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường ĐH Gottingen (CHLB Đức) trong vòng 2 năm trị giá 47.000 Euro (khoảng 1,2 tỷ đồng Việt Nam) từ tháng 9/2016. 

                                                     Phạm Ngọc Triển


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết