Bản cầm - Đất cằn vẫn sinh trái

10:57 11-09-2017 | :543

Đã có những gia đình phải tính chuyện đi làm thuê ở nơi khác, hộ còn lại cũng hết sức khó khăn trong canh tác bởi đất đai bạc mầu. Đó chính là thực trạng đã diễn ra ở xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng trong nhiều năm qua. Vậy nhưng thời gian gần đây, với sự năng động và sáng tạo của cấp ủy, chính quyền trong việc khai thác những lợi thế, tiềm năng ở địa phương, lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến hôm nay bộ mặt nông thôn ở Bản Cầm đang có nhiều nét đổi thay khá rõ ràng, đã xuất hiện ngày càng nhiều  những tỷ phú, triệu phú  ngay trên mảnh đất cằn cỗi gian khó, trở thành hạt nhân trong thực hiện xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Đến khu Khẩu Cồ, thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng vào đầu năm 2016 chúng tôi ghi nhận. Cả khu chỉ có 39 hộ gia đình song đã có tới trên 5 chục người bỏ đi làm ăn xa mà chủ yếu là sang Trung Quốc. Nguyên nhân bà con đi cũng khá rõ, bởi ruộng đất ít, chủ yếu là đồi núi đá, khó khăn trong trồng và tái sinh rừng, đây cũng là thực trạng chung khiến cấp ủy, chính quyền xã bản Cầm luôn phải trăn trở suy nghĩ trong nhiều năm liền. Không ít người ra đi, bù lại cũng có những người lại nhìn Bản Cầm như một miền đất hứa, họ đã đến, gắn bó và khơi dậy những tiềm năng của vùng đất gian khó này .

Cánh đồng ở thôn Nậm Tang xã Bản Cầm rộng hơn 40ha. Nhìn tuy bằng phẳng song một năm các hộ gia đình ở đây nhiều cũng chỉ trồng hai vụ ngô còn thì để đất trống bởi thu hoạch không được bao nhiêu. Một số hộ đã chuyển sang trồng các loại cây khác như chuối hay sắn song hiệu quả cũng không đạt được như mong muốn bởi đất đai cằn cỗi, bạc mầu. Nằm giữa vùng đất hoang hóa ấy, mô hình trang trại rộng hơn 2 ha của ông Đỗ Đình Hiển lại toát lên mầu xanh tươi tốt và cho kết quả thu hoạch khá ấn tượng. Chỉ tính riêng vụ bưởi năm nay, gia đình ông đã thu được hơn 100 triệu đồng.

Nguyên là cán bộ trong ngành y tế, chỉ quen với việc chữa bệnh cứu người. Sau ngày nghỉ chế độ, cũng mới chỉ 5 năm thôi, 5 năm về định cư ở làng Nậm Tang này, ông Đỗ Đình Hiển đã dành mọi thời gian, tâm huyết cho việc xây dựng mô hình trang trại. Nói nghe có vẻ đơn giản song thực ra chuyện khởi sự làm trang trại của ông Hiển không hề đơn giản chút nào. Một phần bởi trước đó ông chưa có nhiều kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, song khó khăn hơn cả bởi sự chai lỳ của đất đai, khi cuốc lên chỉ thấy sỏi đá, vậy nhưng chính từ sau những vụ mùa thất bát ấy đã giúp  ông Hiển và gia đình có thêm những bài học quý để trở thành một nông dân chuyên nghiệp.

5 năm chịu khó học hỏi, với cách nghĩ, cách làm của một nông dân thời hiện đại, ông Hiển và gia đình đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo vùng đất hoang hóa xưa kia trở nên mầu mỡ, 4 mùa đơm hoa kết trái. Một số loại cây ăn quả cho sản lượng lớn với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như vải thiều, bưởi múc, hồng không hạt.v.v.Ngoài ra ông còn chăn nuôi được khoảng 5 chục đầu lợn và cả ngàn con gia cầm như vịt, gà, ngan, ngỗng...v.v..Mô hình trang trại của ông Hiển là một trong những minh chứng, khẳng định Bản Cầm đang ẩn chứa những tiềm năng, nếu biết sáng tạo khai thác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho mỗi hộ gia đình. Đây cũng chính là một trong những cơ sở để cấp ủy, chính quyền địa phương nghị quyết đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập chung cho chăn nuôi, phát triển mô hình trang trại, gia trại và sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Trong khi nhiều lao động đang dời bỏ nông thôn hy vọng tìm kiếm một tương lai tươi sáng ở nơi xa xôi nào đó thì anh Vũ Đình Công lại lựa chọn lập nghiệp tại quê hương.

Những ngày tháng này, trong khi sản phẩm chăn nuôi chưa ổn định thị trường, giả cả chưa đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi, thêm một sáng kiến nữa xuất hiện trong chàng thanh niên trẻ này. Bắt đầu từ nhu cầu, từ tiềm năng dồi dào về nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn, Vũ Đình Công đã mạnh dạn vay vốn mua máy đóng gạch Bloc cung cấp cho thị trường. Từ một máy sản xuất gạch, đến nay Công đã đầu tư tới 6 máy và số nhân công tăng lên 30 người, gấp 6 lần so với ban đầu vậy nhưng vào thời cao điểm xây dựng đôi khi anh vẫn phải hợp đồng thêm lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt anh đã chủ động đầu tư cửa hàng vật liệu xây dựng tổng hợp với đa dạng mẫu mã chủng loại cùng với phương tiện bốc dỡ, vận chuyển chủ động được đầu tư đã tạo ra lợi thế cạnh tranh giúp anh vững bước trên thương trường.

Chưa phải dòng sang trọng song chiếc xe ô tô du lịch mà anh Vũ Đình Công đang sử dụng cũng có giá trên dưới 700 triệu đồng. Đây thực sự là một mơ ước còn hết sức xa xỉ với người dân nơi phố thị thì một tràng trai ở chốn thôn quê như anh đã trở thành chủ nhân của nó từ 2 năm trước. Cùng với năng lực, quy mô sản xuất kinh doanh có tổng trị giá lên tới con số hàng chục tỷ đồng, đến hôm nay Vũ Đình Công không chỉ mang tên tỷ phú mà còn là nơi tạo việc làm ổn định, là chỗ dựa vững chắc cho nhiều gia đình ở địa phương. Tiếp thêm nghị lực và quyết tâm cho những đoàn viên thanh niên như Vũ Đình Công, tổ chức Đoàn thanh niên ở địa phương đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về vốn, về kiến thức giúp các đoàn viên thanh niên thuận lợi hơn trong quá trình lập nghiệp tại quê nhà.

Sự năng động, nhạy bén, dám nghĩ dám làm của cấp ủy chính quyền và những hạt nhân của địa phương trong phát triển kinh tế đã  góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương từ 42% năm 2015 xuống còn 29% năm 2016 - một con số đầy ấn tượng, tạo động lực để Bản Cầm tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững trong thời gian tiếp theo.

Dời Bản Cầm vào một hôm chợ phiên - một góc nhìn thu hẹp của Bản Cầm về sự phát triển kinh tế xã hội.  Không chỉ có hàng hóa tiêu dùng do các tư thương mang tới, mà các sản phẩm nông sản từ chăn nuôi, trồng trọt của bà con mang đến mua bán trao đổi cũng rất nhiều và phong phú. Đây không chỉ biểu thị cho sự quan tâm của Đảng và nhà nước, mà còn ghi nhận sự năng động sáng tạo của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc, giúp Bản Cầm vượt lên khó khăn trở thành địa phương điển hình nơi cửa ngõ phía bắc huyện Bảo Thắng

                                                                  Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết