Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện chương trình giám sát về đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 tại tỉnh Lào Cai

15:27 06-10-2017 | :305

Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, do Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Hồng Minh vừa có buổi làm việc với tỉnh Lào Cai. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Hữu Thể - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.

Báo cáo về triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Lào Cai theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Hữu Thể - Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Qua gần 9 năm triển khai trên địa bàn cho thấy, đề án có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội. Là một chương trình có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, kết nối các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội cùng tham gia thực hiện. Chương trình đã giúp cho nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là lao động thiểu số có cơ hội học nghề, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, có việc làm thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống,góp phần đưa Lào Cai từ một tỉnh nghèo vươn lên khắc phục khó khăn, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh trở thành tỉnh phát triển mạnh của khu vực...

Trong gần 9 năm triển khai thực hiện đề án tỉnh Lào Cai đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực đào tạo nghề. Riêng từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo điều hành và đào tạo nghề.Đến thời điểm này, toàn  tỉnh có 2 Trường cao đẳng, 2 Trường trung cấp và 13 Trung tâm giáo giục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên; Đội ngũ giảng viên dạy nghề là 445 người, trong đó 80 giảng viên có trình độ trên đại học; Số lao động nông thôn tham gia học nghề 2016 đạt 1.200 lượt. Riêng 9 tháng năm 2017 có trên 8.000 lượt người tham gia học nghề. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện đề án đào tạo nghề nông thôn tại Lào Cai còn một số khó khăn, hạn chế như: Năng lực của một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp; Chất lượng đào tạo, trình độ năng lực đội ngũ giảng viên cơ hữu chưa đồng đều; Mức độ đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ còn thấp...

Chia sẻ với những khó khăn và ghi nhận những nỗ lực và định hướng của tỉnh Lào Cai trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng chí Nguyễn Hồng Minh - Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng: Là địa phương còn nhiều khó khăn, song Lào Cai đã có cách làm sáng tạo phù hợp với thực tiễn của địa phương, huy động được mọi nguồn lực tham gia thực hiện đề án với mô hình nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia thực hiện, qua việc liên kết đào tạo đã tạo việc làm đáp ứng nhu cầu cho nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh... Chất lượng đào tạo từng bước được khẳng định với nhiều ngành nghề đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Thời gian tới, Lào Cai cần chú trọng công tác đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ công tác giảng dạy…

Trước đó, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm, kiểm tra công tác đào tạo nghề, sử dụng lao động địa phương đã qua đào tạo nghề tại lớp học nghề nề xây dựng ở xã Hợp Thành; lớp học nấu ăn tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Hợp Thành, Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời (thành phố Lào Cai); Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Đồng chí đánh giá cao mối liên kết chặt chẽ giữa trung tâm đào tạo với người sử dụng lao động, nhất là việc đưa việc thực hành về tận thôn bản, tạo thuận lợi nhất cho người tham gia học tập. Các mô hình này cần được khuyến khích nhân rộng trong các năm tới phù hợp với tiến trình phát triển của Lào Cai trong xu thế hội nhập hiện nay. 

Quỳnh Chi


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết