Bản Già mùa quả ngọt

14:46 13-07-2018 | :1024

Laocaitv.vn - Nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, trong những năm gần đây, xã Bản Già, huyện Bắc Hà đã chuyển đổi phương thức canh tác nương đồi truyền thống sang canh tác lâu bền theo hướng tập trung, trồng các loại cây có lợi thế và hiệu quả kinh tế cao như: Mận, đào và lê… trong đó cây lê tai nung đã và đang trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Vườn lê tai nung vào mùa thu hoạch. (Ảnh: Trung Hiếu)

Bản Già là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, cho nên những năm qua, bà con các dân tộc trong xã được tham gia nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước về trồng và phát triển vùng cây ăn quả ôn đới. Để phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, bà con nông dân xã Bản Già đã đưa giống lê tai nung được Trại rau quả huyện Bắc Hà nghiên cứu, khảo nghiệm thành công trồng tại nhiều nương đồi mà trước đây chỉ trồng được một vụ ngô. Hiện nay, toàn xã Bản Già đã trồng được gần 12ha cây lê tai nung. Năm 2017 đã cho thu hoạch trên 5 tấn quả. Năm nay, bà con trong xã rất phấn khởi vì lê tai nung lại được mùa, giá cả khá ổn định, lê hái đến đâu đều được tư thương thu mua hết, bình quân giá từ 10 đến 20.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình trồng từ 100 đến 150 cây lê, thu nhập từ 8 đến 12.000.000 đồng/vụ.

Gia đình chị Ly Thị Dung – Thôn Bản Già, xã Bản Già trồng được trên 100 cây lê tai nung, đã cho thu hoạch được 3 năm. Năm ngoái, gia đình chị thu được hơn 8.000.000 đồng, năm nay lê tiếp tục được mùa, mẫu mã quả đẹp và ngọt, có cây thu tới 30 kg quả, dự kiến sẽ thu được khoảng 12 – 13.000.000 đồng. Chị Ly Thị Dung phấn khởi chia sẻ: "Gia đình tôi trồng lê từ năm 2013, những năm đầu được Nhà nước hỗ trợ phân, được cán bộ ở huyện xuống tận nhà hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây rất nhanh lớn. Vườn lê đã cho quả 3 năm rồi, năm ngoái do thời tiết không thuận lợi quả được ít. Năm nay quả sai lắm bán cũng được giá nữa. Sang năm gia đình tôi sẽ tiếp tục mua cây giống về trồng thêm để tăng thêm thu nhập cho gia đình".

Ở Bản Già, không chỉ gia đình chị Dung, mà nhiều hộ đồng bào Mông khác cũng thu từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả. Xã Bản Già có 5 thôn thì đều trồng cây ăn quả ôn đới lê tai nung, mận tả van, hộ nào ít cũng có 100 – 250 cây, hộ nhiều có 200 - 300 cây.

Bà Cư Thị Lý – Bí thư Đảng ủy xã Bản Già cho biết: Lê tai nung được đưa vào trồng tại xã Bản Già từ năm 2013, người dân tiếp cận với phương pháp trồng loại cây mới này còn nhiều khó khăn, vì vậy, cán bộ phải hướng dẫn kỹ thuật bằng cách “cầm tay chỉ việc”. Chỉ trong thời gian ngắn, cây lê đã cho thấy rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tỷ lệ cây sống cao, chiếm trên 90%. Năm 2013 chỉ trồng ở thôn Bản Già với hơn 1ha, đến nay, cả 5 thôn của xã, bà con đã trồng được gần 12ha. Lê tai nung trồng trên địa bàn xã Bản Già cho ra những quả căng tròn, mọng nước, có vị thơm ngọt. Vì thế, cây lê tai nung đã trở thành một trong những cây thế mạnh của xã Bản Già giúp nông dân xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Để vị ngọt của quả lê tai nung trên vùng cao Bản Già nói riêng và huyện Bắc Hà nói chung vươn xa đến các thị trường lớn, cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nông dân trồng lê luôn mong muốn sản phẩm có đầu ra và giá cả ổn định, đem lại thu nhập cao cho hộ gia đình, giúp đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn có cuộc sống ngày càng no ấm, để nụ cười người dân trồng lê trên các xã vùng cao của huyện Bắc Hà thêm rạng rỡ./.

Trung Hiếu (Đài TT – TH huyện Bắc Hà)


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết