Bản quyền phần mềm máy tính bị xâm phạm nhiều nhất ở Việt Nam

16:20 18-04-2018 | :965

Laocaitv.vn - Đó là thông tin được ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra tại tọa đàm Doanh nghiệp (DN) Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) tổ chức ngày 18/4.

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực trong bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và có những kết quả nhất định. Điều 225 Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018 đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ, nhằm chống lại tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính. Lần đầu tiên, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm quyền tác giả liên quan. 

Mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến trong giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền máy tính, nhưng tỷ lệ theo công bố của BSA (Liên minh phần mềm doanh nghiệp toàn cầu) hiện nay, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam cao, tới 78%. Nguyên nhân của tình trạng nói trên chủ yếu là do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế. 

“Năm 2017, chúng tôi tiến hành thanh tra bản quyền chương trình phần mềm máy tính tại 63 DN theo đơn đề nghị của chủ sở hữu, kiểm tra 2.472 máy tính, trong đó có 54 DN có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, xử lý vi phạm hành chính là 1.650.000.000 đồng và nộp vào ngân sách nhà nước. Sau thanh tra, các DN đều nhận thức được chấm dứt, gỡ bỏ, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu – mua phần mềm hợp pháp cho hoạt động kinh doanh của mình”, ông Minh cho hay.
 
Quang cảnh buổi tọa đàm.
 
Cũng theo thanh tra Bộ, riêng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ tiếp tục tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 DN, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng

“Với những hình phạt nghiêm khắc đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi từ năm nay, tôi cho rằng, đã đến lúc các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) cần phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại DN mình và có hành động kịp thời để tránh tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của DN nếu một ngày các hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý”, ông Minh khuyến cáo.

Đồng tình, ông Nguyễn Trọng Đường, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thói quen sử dụng phần mềm lậu khá phổ biến tại Việt Nam, người sử dụng phần mềm bất hợp pháp còn rất nhiều.

“Tại sao phần mềm lậu khá phổ biến ở Việt Nam? Vì trong bối cảnh thu nhập còn hạn chế, không phải ai cũng có thẩm quyền mua ngay phần mềm mới nhất. Nhưng nhiều người không lường được tác hại của nó như mức độ an toàn thông tin cá nhân, DN, bởi sử dụng phần mềm lậu không rõ nguồn gốc đi kèm mã độc và rủi ro”, ông Đường cho hay.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục tưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) quan ngại về vấn đề vi phạm phần mềm máy tính tại các DN. Với quy định tại Bộ Luật Hình sự sửa đổi thì nhiều DN có nguy cơ phải đối mặt với khởi tố hình sự, bởi vì chuyện thu lợi trên 50 triệu, bên vi phạm thiệt hại trên 100 triệu đối với phần mềm máy tính rất dễ xảy ra, chỉ cần có khoảng 20 bộ máy tính tạo ra hàng trăm triệu dễ dàng. “Nếu vi phạm đó về quyền tác giả, không cần bị người sở hữu phần mềm kiện, DN có thể đối mặt với việc bị khởi tố bất cứ lúc nào, vì với 78% vi phạm bản quyền máy tính, thì nguy cơ vi phạm trên 100 triệu rất cao”, ông Lâm nhấn mạnh.

Các chuyên gia khuyển cáo, trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc chú trọng tới quyền sở hữu trí tuệ và khoa học công nghệ cần phải được tập trung ưu tiên, đầu tư, bởi đây sẽ là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của DN. Tuân thủ quy định về quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp DN chủ động bảo vệ những tài sản vô hình, hữu hình và nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cùng các DN cần sớm tìm ra những cách thức cần thiết để bảo vệ hoặc tự bảo vệ mình; thực thi tốt các quyền sở hữu trí tuệ cũng như tránh những nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, góp phần tăng sức cạnh tranh, hội nhập cho DN.
 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết