Laocaitv.vn - Đề án số 01 của BCH Đảng bộ huyện Bát Xát về "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc", giai đoạn 2016 – 2020 đang được triển khai thực hiện. Kết quả đạt được không những nâng cao giá trị sản xuất chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân mà nó còn cho thấy tính đúng đắn, phù hợp từ chủ trương của Đảng nhằm khuyến khích, thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn phát triển theo hướng bền vững.
Mặc dù cách khá xa trung tâm xã Ý Tý, tuy nhiên, do thuận lợi là nằm trên tuyến giao thông chính về thôn nên gia đình chị Phu Xả Dê, ở thôn Lao Chải 3 có điều kiện thuận lợi hơn 1 số hộ dân khác. Từ chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng của Đảng bộ huyện, cách đây ít năm, gia đình chị Dê đã được cấp ủy, chính quyền xã vận động, phòng Nông nghiệp huyện trực tiếp hỗ trợ, đưa giống cây ăn quả mới đó là cây lê Tai Nung vào trồng. Vượt qua những bỡ ngỡ bước đầu về thói quen canh tác truyền thống, sản xuất tự cấp tự túc, gia đình đã được hướng dẫn tiếp cận với kỹ thuật sản xuất hoàn toàn mới. Hiện tại, khoảng 50 chục gốc lê Tai Nung phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch, và theo qua sát của chúng tôi thì vụ lê năm nay các gốc này đang rất sai quả. Cũng nhờ được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống, bắt đầu từ năm nay, gia đình chị Phu Xả Dê tiếp tục đưa cây Đương Quy vào trồng dưới tán cây lê theo chủ trương phát triển cây dược liệu mà xã Ý Tý đang chỉ đạo triển khai.
Ông Ly Giờ Có, Bí thư Đảng ủy xã Ý Tý cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, căn cứ vào điều kiện thực tiễn địa phương, Đảng bộ xã đã xác định và ưu tiên vào 2 hướng đi chính là: đẩy mạnh chăn nuôi gia súc và phát triển cây ăn quả, cây dược liệu. Đối với cây ăn quả, tập trung vào cây lê tai nung với diện tích gần 70ha, trong đó, gần 20ha đang cho thu hoạch. Đối với cây dược liệu, Ý Tý cũng đang mở rộng diện tích trồng với một số loại cây như: Đương Quy, Xuyên Khung, riêng Xuyên Khung quy mô 80ha, nông dân đang có nguồn khoảng 300 triệu đồng/ha.
Triển khai thực hiện Đề án số 01 của BCH Đảng bộ huyện Bát Xát về Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Bát Xát tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên cho các lĩnh vực chính như: Đảm bảo an ninh lương thực, huyện coi trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất, sản lượng lương thực. Đáng chú ý là trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiến hành nhiều cơ chế hỗ trợ nhân dân và thu hút doanh nghiệp đầu tư, quy mô thực hiện đạt 115ha, gồm gần 35ha ứng dụng công nghệ cao và trên 80 ha ứng dụng một phần công nghệ cao. Điển hình là các mô hình trồng rau của HTX Song Kim; mô hình trồng trồng rau, hoa của Công ty TNHH Thiên Hưng; mô hình trồng dưa lê của trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên; liên kết sản xuất rau ôn đới trái vụ, như: xu hào, cải bắp, cải thảo... giữa các xã vùng thấp và vùng cao gần 8ha, trong đó, gieo giống rau tại Quang Kim trồng tại các xã Pa Cheo, Y Tý... Đối với cây ăn quả, cùng với thí điểm trồng một số loại cây ăn quả ôn đới như lê, đào Pháp, quy mô trên 200ha, huyện Bát Xát cũng tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích một số cây trồng chủ lực khác như: chuối, dứa, dưa chuột, dưa hấu, đao riềng. Cụ thể, toàn huyện có trên 660ha chuối, tăng hơn 100ha so với năm 2015. Năm 2017, nhân dân các xã trong huyện thu hoạch khoảng trên 10 nghìn tấn chuối, giá bán trung bình đạt 4.000 – 6.000 đồng/kg. Đối với cây Đao riềng, quy mô hiện có trên 430ha, diện tích nằm trong vùng nguyên liệu sản xuất miến đao là trên 350ha tại các xã Dền Thàng, Pa Cheo, Bản Xèo. Bên cạnh đó, vùng trồng các loại cây khác, như: dứa, dưa hấu, dưa chuột với quy mô trên 100ha, tập trung chủ yếu tại các xã vùng thấp như: Bản Qua, Quang Kim, Cốc San…
Theo đánh giá, việc mở rộng diện tích các loại cây trồng này đã mang lại giá trị thu nhập cao hơn từ 4 đến 5 lần cho bà con công dân so với trống lúa. Đặc biệt, 2 năm gần đây, huyện tăng cường thu hút doanh nghiệp liên kết với nhân dân phát triển vùng cây dược liệu; hiện đã xây dựng được vùng quy hoạch trồng cây đương quy tại 3 xã Nậm Pung, Pa Cheo, Y Tý và mở rộng thêm 3 xã A Mú Sung, Trịnh Tường, A Lù. Tổng diện tích cây Dược liệu thực hiện năm 2017 là 325 ha, đạt 93% mục tiêu đề án (gồm 120 ha cây Xuyên khung, 145 ha cây Sa nhân tím, 50 ha cây Đương quy). Về chăn nuôi, triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hóa ở Sàng Ma Sáo, Ngải Thầu; dự án nuôi trâu sinh sản tại xã Dền Thàng; khuyến khích phát triển các trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, quy mô nuôi thủy sản hiện có trên 280ha, riêng ô nuôi cá nước lạnh trên 77 nghìn 300m2 (diện tích các bồn nuôi gần 18 nghìn 500 m3), chủ yếu nuôi theo hướng thâm canh với các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá hồi. Hiện tại, một số diện tích mặt nước đã được nhân dân chủ động thâm canh những giống thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao như cá chép giòn (tại Cốc San), cá bỗng (tại Bản Qua)...
Trên thực tế, chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Bát Xát đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực từ cơ sở; từng bước thay đổi cách nghĩ, tập quán canh tác của bà con nông dân, không chỉ ở địa bàn vùng thấp mà còn tọa ra những điểm sáng tích cực ở các xã vùng cao. Tuy nhiên, trong đánh giá kết quả thực hiện, Bát Xát cũng nhìn nhận rõ những tồn tại hạn chế, và tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần gắn với tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.
Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng giá trị canh tác, thu nhập cho người dân, Bát Xát hiện đang tiến hành quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; mở rộng diện tích sản xuất hàng hóa đối với nhóm cây trồng chủ lực; có cơ chế chính sách phù hợp, tăng cường liên kết, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực nuôi đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hy vọng với những kinh nghiệm rút ra, đặc biệt là sự điều chỉnh trong chủ trương đúng và bước đi phù hợp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, trọng tâm của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát khóa XXII tiếp tục tạo ra những đổi thay tích cực hơn nữa, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho người dân địa phương.
Phương Liên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết