Bệnh lùn sọc đen phương nam xuất hiện rải rác trên diện tích lúa Xuân.

17:51 14-04-2018 | :950

Laocaitv.vn - Những ngày gần đây, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện và gây hại rải rác trên trà lúa sớm của tỉnh Lào Cai (gieo từ tháng 12/2017), tập trung tại 03 huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn. Trong đó, diện tích cục bộ xuất hiện bệnh Lùn sọc đen khoảng 20m2 . Ngoài ra, một số loại sâu bệnh gây hại nhẹ như rầy lưng trắng đẻ trứng rải rác trên trà sớm và trà chính vụ với mật độ phổ biến 20 - 30 ổ/m2 , mật độ cao 50 ổ/m2 , cục bộ có ruộng >100 ổ rầy lưng trắng/m2 .

Mặc dù ở thời điểm này, bệnh lùn sọc đen mới xuất hiện rải rác và đang trong tầm kiểm soát, song cơ quan chuyên môn nhận định, bệnh lùn sọc đen có thể bùng phát và gây hại mạnh trong thời gian tới nếu gặp đều kiện thời tiết thuận lợi cho sâu bệnh phát triển và người dân không tiến hành phòng trừ kịp thời, nhất là đối với các cánh đồng 01 giống.

Để chủ động trong công tác phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa, những ngày qua, Sở Nông nghệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật bám sát các địa phương, theo dõi và nắm sát tình hình phát sinh dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo nông dân nắm rõ các biện pháp phòng trừ dịch bệnh hiệu quả. Theo đó, đối với bệnh lùn sọc đen Phương Nam, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, nếu bà con phát hiện ở giai đoạn lúa từ gieo cấy - đứng cái thì cần nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, cấy dặm bằng cây lúa khỏe. Đồng thời đẩy mạnh khâu chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi. Giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi. Khi phát hiện rầy mật độ từ 3 con/dảnh trở lên, tiến hành phun ngay bằng các loại thuốc đặc trị. Tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi được). Trường hợp hết thời vụ gieo cấy, chuyển sang trồng cây khác (ngoại trừ ngô) nếu điều kiện cho phép. Đối với rầy lưng trắng xuất hiện trên đồng ruộng, lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ nên sử dụng các loại thuốc chống lột xác như Applaud 10WP, Butyl 10WP... để phun trừ; khi rầy ở tuổi lớn sử dụng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn, tiếp xúc như: Applaud-Bas 27BTN, Vithoxam 350SC, Bascide 50EC... phun trên ruộng bị bệnh và các ruộng xung quanh; đồng thời thông tin cho cán bộ kỹ thuật Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hoặc cán bộ Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh để thu thập mẫu đưa đi phân tích giám định. Được biết vụ Xuân năm nay, toàn tỉnh đã gieo cấy 10.204 ha lúa. Từ đầu vụ đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên cây lúa Xuân phát triển tốt.

Hiện nay, lúa trà sớm đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, trà chính vụ đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ, trà muộn ở giai đoạn bén rễ - hồi xanh.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết