Cây dược liệu - Khẳng định vị thế tại vùng cao nguyên đá

10:39 03-04-2018 | :956

Laocaitv.vn - Với mục tiêu đưa cây dược liệu trở thành cây trồng chính tạo diện mạo mới cho bức tranh nông nghiệp, thời gian qua, huyện vùng cao Si Ma Cai đã tích cực trong việc đưa nhiều cây dược liệu vào trồng thử nghiệm. Không chỉ có cây tam thất, nhiều cây dược liệu khác ở Si Ma Cai giờ đây đã khẳng định được giá trị của mình trên vùng cao núi đá này.

Là một trong những người đầu tiên đưa cây Bạch truật vào trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 1.000 m2 đất của gia đình, sau một tháng anh Tráng Seo Xà, thôn Lao Cải, xã Quan Thần Sán cho biết: Cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Với giá bán khoảng 100.000đ/kg củ tươi, dự kiến vườn Bạch truật sẽ mang về thu nhập gần 10 triệu đồng cho gia đình anh. Đây là một số tiền  có giá trị gấp nhiều lần so với trước đây gia đình anh trồng các cây lương thực truyền thống. Cùng với cây Bạch truật, hiện nay, huyện Si Ma Cai cũng đưa vào trồng và nhân rộng nhiều loại cây dược liệu khác có giá trị kinh tế cao như: Sa nhân tím, bán chi liên, phòng phong, đan sâm… Đây đều là những loại cây được đánh giá là phù hợp với khí hậu địa phương, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, đa số đều là các loại cây mới nên người dân còn e dè, để người dân thực sự tin tưởng, huyện Si Ma Cai đã chủ động giao cho các địa phương thực hiện trồng mẫu, người dân thấy được hiệu quả, từ đó sẽ nhân rộng lên.  

Ảnh: Trung Kiên

Hiện toàn huyện Si Ma Cai đã trồng được khoảng 50ha cây dược liệu, mỗi năm đem về thu nhập khoảng 4 tỉ đồng cho người dân. Theo dự kiến đến năm 2020 số diện tích trồng cây dược liệu sẽ tăng lên khoảng 100ha. Một trong những vấn đề mà người trồng dược liệu ở Si Ma Cai lo lắng nhất là việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Về vấn đề này, ông Thào Seo Lừ, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: Huyện có nhiều ưu đãi đối với các cá nhân, doanh nghiệp tham gia trồng dược liệu, thực hiện làm cầu nối liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến dược phẩm trong nước để tiêu thụ dược liệu cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều nguồn vốn cũng được huyện ưu ái cho người trồng dược liệu.

Huyện Si Ma Cai đang đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 200 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã: Quan Thần Sán, Lử Thẩn, Si Ma Cai, cây trồng chính là bạch truật, cát cánh, tam thất, đương quy và tiếp tục tăng diện tích sa nhân tím, thảo quả, bán chi liên. Các xã trong vùng dự án hiện đang đẩy nhanh tiến độ khảo sát, xây dựng quy hoạch chi tiết vùng trồng cây dược liệu và chuẩn bị những điều kiện khác với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện Dược liệu và một số doanh nghiệp. Với các mô hình và định hướng phát triển, cây dược liệu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con huyện nghèo huyện Si Ma Cai, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

                                                                                                            Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết