Laocaitv.vn - Đã thành thông lệ, cứ khi những đợt rét đậm rét hại đầu tiên xuất hiện, người dân Sa Pa lại tất bật vận chuyển địa lan về vùng thấp tránh rét. Chừng một tháng nay, dọc tuyến quốc lộ 4D Sa Pa đi Lào Cai, đoạn cuối xã Tòng Sành và khu vực xã Cốc San, huyện Bát Xát, hàng chục vườn lan san sát mọc lên với số lượng lên tới nhiều nghìn chậu. Người dân Sa Pa đang vượt rét chăm sóc cho mùa địa lan Tết với kỳ vọng một năm thắng lợi.
Sơ tán về xã Cốc San (Bát Xát) tránh rét từ đầu tháng 11 âm lịch, anh Lý Phù Chiêu, ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, Sa Pa mang theo 300 chậu lan, một phần của gia đình, một phần anh mua lại của bà con trong thôn. Ngoài hai vợ chồng, một anh con trai đi cùng, anh Chiêu còn thuê thêm 2 lao động nữa để phụ giúp việc chăm sóc lan. Công việc hàng ngày cũng hết sức bận rộn: tưới nước, tỉa bỏ lá già, lá sâu, vin uốn cành hoa…Những cành hoa ra sớm, nụ sắp bung được bao gói lại tránh nở sớm. Ban đêm, mọi người thay nhau canh gác, bảo vệ. Mọi sinh hoạt đều tạm bợ. Anh Chiêu cho biết, địa lan thường ra nụ vào khoảng tháng 9, tháng 10. Nếu gặp rét đậm rét hại kéo dài, đặc biệt là sương muối hay mưa tuyết thì các cành, nụ sẽ cứng lại, không phát triển, không nở hoa được. Do vậy, đưa về vùng thấp chăm sóc, hoa sẽ nở vào đúng dịp Tết.
Người dân Sa Pa tích cực chăm sóc địa lan phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2018. (Ảnh: An Hồng)
Đã có kinh nghiệm đưa lan đi tránh rét nhiều năm, nhưng năm nay, anh Lý Phù Chiêu thấy ưng ý hơn vì thuê được một địa điểm ngay sát quốc lộ, trung tâm xã Cốc San để đặt vườn lan. Dù giá thuê bãi đất trống này không đến 3 tháng, anh phải trả cho chủ đất 10 triệu đồng. Tiền điện, nước hàng ngày tính riêng. Rồi chi phí thuê ô tô vận chuyển, mua lưới thép rào vườn, thuê thêm lao động cùng làm…Mọi thứ đều đắt đỏ, tốn kém, nhưng anh Chiêu khẳng định, mang lan đi tránh rét, bán thẳng cho người mua được giá, được tiền hơn hẳn “bán non” tại nhà.
Mới về Cốc San được chừng một tháng, anh Lý Phù Chiêu đã bán được khá nhiều chậu. Trong đó, chậu cao giá nhất được 20 triệu đồng với 39 cành. Đây chưa phải là chậu to đẹp nhất vườn. Khách mua đến xem, ưng ý chậu nào, anh Chiêu đánh dấu chậu đó, nhận một nửa tiền, tiếp tục chăm sóc tới gần Tết mới giao cho khách và nhận hết tiền. Với những khách quen nhiều năm, việc mua bán, trả tiền đều thông qua điện thoại.
Các vườn địa lan ven quốc lộ 4D tạo thành một điểm du lịch hút khách dịp cuối năm. (Ảnh: An Hồng)
Cùng ở xã Tả Phìn, xã trồng nhiều lan nhất huyện Sa Pa, có 3 hộ khác cũng di chuyển địa lan xuống vùng thấp tránh rét. Ngoài ra còn có Hợp tác xã Hoa Lan của xã. Vườn lan của các hộ có bình quân ba đến bốn trăm chậu. Riêng vườn lan của Hợp tác xã Hoa Lan có tới cả nghìn chậu. Dọc quốc lộ 4D đoạn cuối xã Tòng Sành và xã Cốc San có tổng cộng hơn chục vườn lan tất cả.
Việc đưa lan đi tránh rét, lập các vườn lan ven quốc lộ 4D tạo thành một điểm du lịch hút khách dịp cuối năm. Đồng thời cũng tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Anh Chảo Láo Tả, ở thôn Suối Tủng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát được một chủ vườn lan thuê chăm sóc. Do có người nhà ở xã Tả Phìn nên mấy năm nay anh Tả theo lên đó học trồng lan. Từ vài chậu ban đầu, nay anh cũng đã có khoảng 100 chậu lan. Hai ba năm trước, mỗi năm anh được thu từ 20 đến 30 triệu đồng từ tiền bán lan. Vụ lan năm nay, anh bán ngay trên xã Tả Phìn 19 chậu, được 30 triệu đồng. Còn 20 chậu anh gửi kèm cùng vườn lan nhà chủ, hy vọng có khách mua.
Toàn huyện Sa Pa có khoảng 70.000 chậu địa lan. (Ảnh: An Hồng)
Hiện nay, toàn huyện Sa Pa đang có khoảng 70 nghìn chậu địa lan, trong đó, có khoảng 10 nghìn chậu đủ tiêu chuẩn để bán. Về giá bán thì cơ bản vẫn ở mức như năm trước, từ 300 nghìn đến 800 nghìn đồng một cành hoa, tùy chất lượng.
Từ nay đến Tết Nguyên đán còn khoảng 1 tháng, những chủ vườn địa lan vẫn đang dồn sức chăm sóc với kỳ vọng thời tiết diễn biến thuận lợi, không quá nóng để lan bung hoa vào đúng dịp Tết.
An Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết