Chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc trong mùa Đông 2017

13:21 08-11-2017 | :2021

(Laocaitv.vn) - Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mùa đông năm nay sẽ tới muộn nhưng vẫn có nhiều đợt rét đậm, rét hại. Do vậy, công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi cần được các địa phương quan tâm đúng mức. Đặc biệt với tỉnh vùng cao như Lào Cai thì càng cần phải chú ý hơn nữa.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 156.335 con gia súc lớn (gồm trâu, bò, ngựa), do 58.392 hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, mới có 37 nghìn hộ chăn nuôi làm chuồng trại kiên cố, đảm bảo phòng chống rét. Số hộ chăn nuôi có chuồng trại tạm là 15.300 hộ và còn tới 5.927 hộ chăn nuôi nhưng chưa có chuồng trại. Đáng chú ý là có 266 hộ vẫn thả rông gia súc. Trong đó, nhiều nhất là ở huyện Văn Bàn với 187 hộ, huyện Bảo Yên có 60 hộ và huyện Bảo Thắng có 19 hộ.

Về dự trữ thức ăn gia súc trong mùa đông, số hộ dự trữ thức ăn đạt tiêu chuẩn (từ 200 kg/con gia súc trở lên) là 39.300 hộ. Số hộ còn lại có dự trữ nhưng chưa đủ số lượng và có 4584 hộ chưa dự trữ thức ăn cho gia súc… Những con số này cho thấy trong công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi vẫn còn nhiều địa phương, nhiều hộ gia đình chưa thực sự quan tâm đúng mức. Như huyện Văn bàn, có tổng đàn gia súc lớn nhiều nhất tỉnh trên 27 nghìn con, do gần 10 nghìn hộ nuôi, nhưng mới có 44% hộ có chuồng trại kiên cố, và khoảng 45% số hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn cho gia súc. Ngay như thành  phố Lào Cai, vẫn còn 3 hộ chưa có chuồng trại và nhiều hộ chưa dự trữ đủ thức ăn cho trâu bò. Lý giải cho sự chưa chủ động này, nhiều hộ chăn nuôi cho rằng, trâu không quen ăn rơm khô và dù mùa đông giá rét thì trong rừng vẫn còn nhiều cỏ, sẽ đi cắt về cho trâu ăn.

Ảnh: Baolaocai.vn

Trong những năm trước đây, đàn trâu bò của Lào Cai đã nhiều lần bị thiệt hại nặng do giá rét. Điển hình là đợt rét đậm, rét hại kỷ lục mùa đông 2008 - 2009, toàn tỉnh có gần 20.000 con gia súc bị chết rét, chiếm khoảng 15% tổng đàn vật nuôi của Lào Cai. Đến mùa đông 2011 – 2012, có gần 7000 con gia súc bị chết đói, chết rét. Thế nhưng trong đợt giá rét khốc liệt trước tết Nguyên đán 2016, với 50 xã bị băng tuyết bao phủ, toàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 1.100 gia súc bị chết rét, giảm thiểu rất nhiều so với các đợt rét hại trước đó. Có được kết quả này là nhờ sau nhiều năm tích cực vận động và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rét cho trâu bò, đồng bào vùng cao đã từng bước thay đổi tập quán chăn thả, quan tâm hơn tới đàn vật nuôi nhà mình. Bà con biết áp dụng các biện pháp phòng, chống rét truyền thống với các cách thức mới, từ đó giảm thiểu thiệt hại tới đàn vật nuôi. Chị Chảo Mí On, thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát cho biết: "Nhà có đàn trâu 5 con, đây là tài sản có giá trị rất lớn của gia đình nên đã đầu tư xây chuồng kiên cố, nền đổ xi măng, mái lợp ngói, có tường bao quanh cao hơn một mét để đảm bảo thoáng mát vào mùa hè. Mùa đông thì dùng bạt quây kín".

Mùa đông 2017- 2018 đang tới gần. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương, thì rét sẽ tới muộn, nền nhiệt độ tương đương cùng kỳ nhiều năm. Tuy nhiên có thể sẽ xảy ra một số đợt rét hại sâu, nhiệt độ xuống rất thấp, nhất là ở các vùng núi cao như Lào Cai. Do vậy, việc chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi cần được các địa phương và bà con nông dân đặc biệt quan tâm.

Trước hết là dự trữ thức ăn cho đàn trâu bò. Gồm thức ăn thô (rơm, cỏ) và thức ăn tinh (cám gạo, bột ngô). Định mức cho mỗi con trâu bò là 400 kg rơm, bẹ ngô, cỏ khô trong cả mùa đông. Thời điểm này vẫn còn thời gian để thu gom rơm rạ, thân cây ngô, đậu đỗ… phơi khô, cất trữ làm thức ăn khô cho trâu bò trong mùa đông. Việc cất trữ, bà con có thể bó lại thành từng bó cất lên gác chuồng trâu bò, hoặc đánh thành cây rơm, làm các lều rơm để bảo quản. Với  những hộ trồng được nhiều cỏ voi, hoặc có nhiều lá ngô tươi, khoai lang… có thể áp dụng biện pháp ủ cỏ chua. Cách ủ cỏ chua khá đơn giản. Bà con đào các hố, xây bể để làm vật chứa, hoặc có thể dùng các túi ni lông to để dùng. Ở vùng cao, khó khăn vị trí đào hố thì cách dùng bao nilon là phù hợp nhất. Cỏ chặt khúc sau khi được rắc, trộn với muối, bột ngô… cho vào các túi, buộc kỹ, xếp gọn vào một nơi. Đây là nguồn thức ăn đặc biệt tốt cho trâu bò những khi rét hại. Về thức ăn tinh, bà con cần dự trữ một lượng ngô, thóc cần thiết. Gặp thời điểm rét đậm, rét hại kéo dài sẽ cho trâu bò ăn, bằng cách nấu loãng hoặc hoà với nước muối ấm. Mỗi con trâu bò vào ngày rét hại được uống 2 xô cám ngô vào buổi sáng và tối sẽ tăng cường sức đề kháng, chống chịu được giá lạnh. Về chuồng trại, cần khẩn trương sửa chữa, làm mới chuồng trại chăn nuôi gia súc, nhất là số lượng gần 6 nghìn hộ chăn nuôi mà chưa có chuồng nuôi nhốt cần nhanh chóng làm chuồng theo đúng tiêu chuẩn. Với những hộ mới có chuồng tạm, hướng dẫn cách cải tạo nền chuồng đảm bảo khô ráo, che chắn tránh gió lùa, giữ ấm cho đàn gia súc. Đan phên che bằng tre, nứa, hoặc mua sẵn các tấm bạt để quây chuồng.

Tích trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông ở xã Tả Phìn - Sa Pa

Thời điểm này, bà con cũng cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, vỗ béo đàn gia súc để tăng sức đề kháng với đói rét và dịch bệnh. Chủ động tiêm phòng đầy đủ. Đội ngũ cán bộ khuyến nông cần đẩy mạnh khuyến cáo bà con nông dân không chăn thả, không bắt gia súc làm việc những ngày giá rét nhiệt độ xuống dưới 12 độ. Những ngày rét như vậy, cần nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp đủ thức ăn, nước uống có pha thêm muối, giúp gia súc giữ thân nhiệt. Sử dụng chăn, bạt, bao tải làm áo khoác cho gia súc non.... Việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc đúng thời điểm sẽ hạn chế thấp nhất những thiệt hại về kinh tế, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững đối với lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh, đồng thời cũng là cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích về kinh tế cho người chăn nuôi ở địa phương trong mùa đông năm nay.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết