Công nghiệp thủy điện Lào Cai những dấu ấn và giải pháp phát triển bền vững

10:37 03-10-2017 | :1261

Tận dụng lợi thế địa hình bị chia cắt mạnh, có 2 hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, cùng hàng trăm suối lớn, nhỏ phân bổ khắp địa bàn, những năm qua tỉnh Lào Cai đã quan tâm, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thủy điện có những bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để công nghiệp thủy điện phát triển một cách bền vững và hiệu quả, những năm qua, công tác quy hoạch thủy điện luôn được các cơ quan chuyên môn của tỉnh chú trọng. Trong đó có việc rà soát, đánh giá tiềm năng, lập quy hoạch phát triển các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trình UBND tỉnh, Bộ Công thương xem xét, phê duyệt. Qua đó kịp thời loại bỏ những dự án thủy điện không khả thi, hoặc có nguy cơ tác động môi trường lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 75 công trình thủy điện vừa và nhỏ được cấp phép đầu tư, với tổng công suất lắp máy trên 1 nghìn 132 MW. Hiện đã có 40 dự án với tổng công suất lắp máy hơn 646 MW hoàn thành đi vào hoạt động ổn định. Tổng sản lượng điện của các nhà máy thủy điện trong năm 2017 ước đạt 2 tỷ 700 KWh,  riêng trong 9 tháng qua sản lượng điện đã đạt 2 tỷ 200 KWh; Doanh thu đạt 2 nghìn 700 tỷ đồng. Các nhà máy thủy điện trên địa bàn nộp ngân sách nhà nước 600 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài hiệu quả kinh tế, các dự án thủy điện còn tác động tích cực đến việc cải tạo cảnh quan, môi trường phục vụ phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, dự trữ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như Nhà máy Thủy điện Bắc Hà có công suất 90 MW, có vùng lòng hồ rộng hơn 58 ha, giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Hà và Si Ma Cai phát triển du lịch sinh thái, nuôi thủy sản. Hiện lòng hồ thủy điện Bắc Hà có khoảng 200 lồng nuôi cá, mỗi lồng nuôi xuất bán từ 2 - 3 tấn cá thương phẩm/năm.  

Cùng với đó, các dự án xây dựng thủy điện còn góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện giúp người dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công nhà máy ổn định cuộc sống. Điển hình như nhà máy thủy điện Cốc San, Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo Lào Cai Việt Nam, song song với việc đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty đã triển khai nhiều hoạt động “hỗ trợ sinh kế” và “phát triển cộng đồng” để phát triển bền vững.

Nhà máy Thủy điện Cốc San, công suất 30 MW, nằm trên địa bàn hai huyện Bát Xát và Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Đình Dũng

Với quan điểm đó, trong 2 năm 2015 – 2016, Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo Lào Cai Việt Nam đã  hỗ trợ 43 triệu đồng cho 24 hộ dân ở thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành mua ngô giống và phân bón các loại để sản xuất. Cuối năm 2016, thêm 10 hộ gia đình bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng các công trình phụ trợ của nhà máy tiếp tục được Công ty hỗ trợ 25 con giống ban đầu để triển khai mô hình “ nuôi dê và nuôi lợn sinh sản”. Cùng với đó các hộ tham gia mô hình này, còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng dê, lợn sinh sản. Từ 25 con giống hỗ trợ ban đầu, đến nay đàn dê và lợn đã tăng thêm 39 con. Từ đó thúc đẩy phong trào chăn nuôi trên địa bàn xã.

Cùng với đó mô hình “phát triển cộng đồng” cũng được Công ty thực hiện với nhiều hoạt động cụ thể như: Xây dựng đường bê tông vào thôn Chu Cang Hồ; Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp kiên cố hóa điểm trường Mầm Non và Tiểu học tại thôn Van Hồ, xã Tòng Sành … Cùng với đó hàng chục hộ dân thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng ở thôn Tả Tòng Sành, xã Tòng Sành; thôn Luổng Đơ, xã Cốc San đã được công ty hỗ trợ các điều kiện cần thiết để kéo điện sinh hoạt về tận nhà. Việc làm này đã mang đến một “ cuộc sống mới” cho nhiều gia đình.

Các hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là việc hỗ trợ giống sản xuất ban đầu mà không cho tiền trực tiếp của Công ty đã khuyến khích bà con chịu khó học hỏi để phát triển kinh tế gia đình, ít thời gian nhàn rỗi hơn. Từ đó hạn chế rất nhiều những tác động tiêu cực do thiếu đất sản xuất và có tiền sau đền bù giải phóng mặt bằng.

Hiệu quả hoạt động của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã góp phần khẳng định cùng với hiệu quả sản xuất kinh doanh, thì các nhà máy thủy điện cũng luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ, cải tạo môi trường và cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công công trình. Tuy nhiên theo ông Phan Văn Cương, Phó Giám đốc Sở Công thương: bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do tác động của các nhà máy thủy điện gây ra cho cuộc sống của người dân và môi trường sống.

Theo tính toán đến năm 2020, 75 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất lắp máy 1 nghìn 132 MW sẽ hoàn thành. Vì vây, việc thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề phát sinh hạn chế những tác động tiêu cực trong quá trình phát triển các công trình thủy điện trên địa bàn sẽ là tiền đề giúp Lào Cai phát triển công nghiệp thủy điện một cách bền vững và hiệu quả đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.

Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết